Lắp đặt & Hiệu chỉnh Subwoofer
Lâu nay nhiều người chơi audio coi việc nghe nhạc trên subwoofer là…
phản cảm do màn trình diễn thiếu thuyết phục của những chiếc sub trong
hệ thống hi-fi.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chất lượng của cục sub và
cách sắp đặt, hiệu chỉnh sao cho chiếc sub có được màn trình diễn hài hòa với
các thiết bị còn lại trong bộ dàn. Dưới đây là một số lưu ý, ngõ hầu giúp người
chơi loa sub khai thác tối đa ưu thế của thiết bị này nhằm nâng cao chất lượng
trình diễn của toàn hệ thống.
CHỌN
VỊ TRÍ TỐI ƯU
Tiếng trầm không định hướng của loa sub không
đồng nghĩa với việc người chơi có thể đặt bất kỳ đâu trong phòng nghe đều cho
kết quả tương đương. Chọn được điểm đặt loa sub phù hợp có thể tạo nên sự khác
biệt rõ ràng trong màn trình diễn âm trầm của loa. Nhiều người chọn giải pháp
khá tiện lợi là đặt loa sub vào góc phòng, bởi theo cách này tiếng bass sẽ dày
và lớn nhất. Nhưng việc đặt loa sub ở vị trí đó sẽ không cho âm bass chi tiết.
Với loa sub nhỏ (đường kính dưới 20cm), vị trí
tốt nhất là đặt trước cặp loa chính khoảng 0,9-1,2m. Việc đặt loa sub quá xa
loa chính khó mang lại cảm giác âm bass được tạo ra từ hệ thống loa chính.
Trong quá trình định vị loa sub, người chơi nên vặn âm lượng lớn để có thể tìm
ra điểm nào cho âm bass lớn, nhưng vẫn giàu chi tiết nhất.
Người chơi nên chọn ra một số điểm đặt loa khả
quan nhất và sử dụng CD thử có nhiều âm trầm sâu, chơi lặp lại đoạn nhạc nhiều
âm bass đó trong quá trình đáo loa sub qua các vị trí khác nhau trong phòng
nghe. Mục đích của quá trình này nhắm tìm ra vị trí mà ở đó loa sub tái tạo âm
bass sâu nhất, nhưng vẫn giữ được sự cân đối với dải trầm và trung trầm.
Trong một số trường hợp, sau khi đã kê đặt ở
nhiều vị trí mà âm bass vẫn không chi tiết như mong muốn, người chơi có thể cân
nhắc giải pháp sau: nhấc ghế nghe ra khỏi vị trí và đặt loa sub vào đó, bật một
bộ phim hoặc bản nhạc có nhiều âm bass với âm lượng lớn. Tiếp theo, hãy đi
quanh phòng đến điểm mà người chơi muốn đặt loa tại đó nhất (theo chủ quan).
Cuối cùng là di chuyển loa sub trên đường thẳng từ vị trí ngồi nghe đến điểm
đó. Khi dịch chuyển loa, hãy lắng nghe để xác định vị trí mà loa bass có thể
cho chất âm mạnh mẽ và chi tiết nhất, rồi cố định loa tại đó.
Chọn được điểm đặt loa sub phù hợp có thể tạo nên
sự khác biệt trong màn trình diễn âm trầm của loa.
ĐẦU
NỐI VÀ CÂN CHỈNH
Thông thường phía sau loa subwoofer có khá nhiều
nút chỉnh, lỗ cắm với đủ loại thông số. Sự bố trí này có thể khiến người “ngoại
đạo” với audio bối rối trong giây lát. Song nếu quan sát kỹ có thể thấy các
chức năng khá rõ ràng và đơn giản. Cách đấu đơn giản và hiệu quả nhất là nối
dây tín hiệu từ ampli/preampli đến đường “Sub in” phía sau loa sub (hoặc trên
một số sub đề là LFE/Direct/Bypass…).
Tiếp theo, đẩy núm chỉnh điểm cắt tần lên mức cao
nhất. Ở một số dòng loa sub cho phép thay đổi dải tần ở khoảng rất rộng từ 40Hz
đến 200Hz. Người chơi cần nghiên cứu kỹ các thông số kỹ thuật của cặp loa chính
và loa sub trên khía cạnh này để chọn được ngưỡng cắt tần phù hợp cho loa sub.
Một cách ước lượng tương đối để lựa chọn mức cắt tần trên loa sub sao cho phù
hợp với loa chính như sau: Ngưỡng 150-200 Hz khi loa chính có đường kính loa
bass 5-8cm; Ngưỡng 80Hz hoặc 100Hz với loa chính có đường kính loa bass
10-13cm; Ngưỡng 60Hz hoặc 80Hz với loa bookshelf cỡ lớn hoặc loa cột thanh
mảnh. Việc chọn điểm cắt tần rất quan trọng, bởi đây là một trong những yếu tố
quyết định đến sự phối hợp hài hòa giữa loa sub và cặp loa chính, cần cân chỉnh
sao cho người nghe không nhận biết được sự thiếu hụt hoặc chồng chéo tần số
giữa hai loại loa này.
Nút chỉnh pha (phase) cũng là một trong những nút
điều chỉnh quan trọng trên loa sub, bởi loa sub và loa chính của hệ thống chỉ
có thể “hát hay” khi chúng đồng pha – đồng nghĩa với việc các loa woofers của
cặp loa chính và loa subwoofer chuyển động ra/vào đồng thời. Để kiểm tra các
loa có hoạt động đồng pha với nhau không, hãy bật nhạc thật lớn với phần mềm có
nhiều âm bass và lắng nghe ở “điểm ngọt” trong khoảng một phút. Đồng thời, bố
trí người ngồi chỉnh nhẹ nút chỉnh pha 0/180 tại chỗ đặt loa sub. Điểm chuẩn là
khi người nghe nhận thấy tại đó hệ thống cho nhiều âm bass nhất. Trong trường
hợp người nghe không cảm thấy sự khác biệt khi chỉnh ở bất kỳ điểm nào từ 0 đến
180, hãy để nút ở vị trí 0.
Bước cuối cùng là điều chỉnh âm lượng của sub.
Một số người “nghiện” âm bass (bass freak) có thể đẩy tiếng sub lớn hơn một
chút so với mức âm lượng chung của hệ thống loa chính. Khi đó, hệ thống sẽ mất
đi sự cân bằng về các dải tần và thiên về âm bass. Với những người ưa sự hài
hòa, âm lượng của loa sub sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với âm lượng của cặp
loa chính. Trong trường hợp này, âm thanh của hệ thống có thể đạt đến sự cân
bằng và hài hòa nhất. Nếu muốn điều chỉnh tuyệt đối chính xác, người chơi cần
đến sự hỗ trợ của dụng cụ đo âm lượng chuyên nghiệp trong các phòng thu hoặc
phòng thí nghiệm.
Theo
Nghe Nhìn