Chọn loa hi-end theo thị hiếu âm nhạc

Chọn loa theo gu?

Hầu hết những chuyên gia có kinh nghiệm đều nhận định rằng loa nghe nhạc của nước nào phản ánh trung thực tính cách của con người nước đó. Thí dụ loa Mỹ mạnh mẽ, chắc chắn nhưng thiếu tinh tế; loa Pháp điệu đàng, âm thanh mềm mại đến mức ủy mị; loa Ý góc cạnh, thanh tú và sắc sảo như cô gái Ðịa Trung Hải; loa Anh sang trọng, kiêu sa và ấm áp như một nhà quý tộc phù hoa... Do vậy chọn loa phụ thuộc vào vấn đề thị hiếu và chủng loại nhạc bạn ưa thích. Nếu gu nhạc của bạn trẻ trung, sôi động, tiết tấu nhanh thì loa Mỹ là lựa chọn hợp lý; còn blue, jazz, sentimental, classic, những dòng nhạc giúp bạn "vừa nghe vừa tưởng tượng" thì loa Anh sẽ có ưu thế trội hơn. Ngoài ra tính chất bản nhạc cũng là một yếu tố tham khảo: loại độc tấu thì nên chọn loa Ý, còn hòa tấu dàn nhạc, đòi hỏi độ hoành tráng cao thì không hãng nào qua mặt được các thương hiệu Tannoy, BW, Lowther… nổi tiếng của Anh. Dĩ nhiên mỗi nhà sản xuất còn có bí quyết riêng, không phải loa Pháp nào cũng mềm, loa Mỹ nào cũng mạnh, nhưng kinh nghiệm cho thấy quả thực "triết lý âm thanh" của các hãng cùng chung một quốc gia rất giống nhau, và khi âm thanh cất lên, bạn sẽ nhận ra được ngay “quốc tịch” của cặp loa đó.

Nên chọn độ nhạy (sensibility) cao hay thấp?

Ðộ nhạy của loa, tính bằng đơn vị đề-xi-ben (dB), được người ta đo lường bằng cách đặt một âm kế cách loa 1m khi loa đang được cung cấp một âm lượng có công suất 1W từ ampli. Thông thường các loại loa nghe nhạc có độ nhạy từ 80-95 dB. Cá biệt một số hãng như Avant- Garde (Ðức), Supravox (Pháp) hoặc Klipsch (Mỹ) thiết kế loa lên tới trên 100 dB. Ðộ nhạy loa phụ thuộc rất nhiều vào ampli của dàn máy, chỉ tiêu này càng lớn thì càng tiết kiệm, công suất ampli cần thiết (người ta gọi là "nhẹ đánh"). Tuy nhiên khi đó độ ồn sẽ cao (vì loa sẽ nhạy cả với các tạp âm) và dễ bị hiệu ứng vang vọng (echo) đòi hỏi người nghe phải xử lý phòng ốc và dây dẫn thận trọng.

Nếu ampli bạn sử dụng thuộc loại bóng đèn (tube) thì loa có độ nhạy cao (trên 90 dB) sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất, còn ampli bán dẫn (transistor) dùng cho loa dưới 90 dB là hợp lý hơn.

Công suất của loa thế nào là phù hợp?

Thông thường mỗi cặp loa đều có sự chỉ dẫn khoảng công suất ampli tương thích, không phân biệt loại đèn hay bán dẫn, vì vậy khi lựa chọn loa, bạn có thể căn cứ vào thông số này để ra quyết định. Loa quá lớn so với công suất ampli thì âm thanh sẽ không "ra" hết (gọi là "thiếu tiếng", đặc biệt ở tần số thấp (bass). Ngược lại ampli dư so với công suất loa thì sẽ lãng phí và khi mở lớn có thể gây hư hỏng loa. Nhiều người chọn công suất loa căn cứ vào âm lượng thường nghe theo quan niệm "phòng nhỏ nghe loa nhỏ”. Thực tế cho thấy không hoàn toàn như vậy; cũng giống như bạn mua xe gắn máy phân khối lớn đâu phải để lúc nào cũng chạy tốc độ cao, mà để cảm nhận được “độ đằm”, sự chắc chắn của nó ngay khi chạy chậm. Thành ra nghe loa lớn bao giờ cũng “đủ tiếng” hơn, âm thanh “dày dặn" và sâu sắc hơn, chỉ còn trở ngại duy nhất là vấn đề ngân sách.

Chọn loa 1 hay 2 cầu?

Thường loa lớn cho phép sử dụng cách đấu dây 2 cầu (bi-wire) để cấp tín hiệu từ ampli lên theo hai tần số riêng biệt (bass và treble), nhờ đó âm thanh sắc nét và tách bạch hơn. Tuy nhiên nếu nghe kỹ bạn sẽ thấy kiểu đấu dây này làm cho bản nhạc có vẻ "khô", "lạnh", khiến ta "phục mà không cảm". Ngược lại đấu một cầu sẽ tiết kiệm được dây, âm thanh có vẻ “mờ” nhưng hài hòa hơn.

Vấn đề còn lại vẫn chính là... đôi tai của bạn.

Loa nào có tiếng?

Trong thế giới hi-end, đã nói tới loa phải kể tới Anh Quốc, nơi sản sinh ra những thương hiệu nổi tiếng như Tannoy, ProAC, BW, Lowther, Rogers, Harbeth, Spendor... Sau đó là Pháp như JM Lab, Cabasse, BC Acoustique, J.M Raynaud... Một vài thương hiệu Ðức cũng được ghi nhận ở đẳng cấp cao như Elac, Avant - Garde... Thụy Sĩ có Goldmun, Hà Lan có Final, còn Ý thì nhiều hãng đã đi vào huyền thoại: Sonus Faber, Academic, Diapason... Các nhà sản xuất Mỹ thường đi đầu trong đẳng cấp hi-fi (Bose, JBL, Martin Logan...), còn ở mức độ cao hơn thì vẫn phải chịu chênh lệch với các hiệu danh tiếng châu Âu. Riêng người Nhật là một trường hợp đặc biệt: hình như cái gì họ cũng làm được hơn người khác, riêng loa hi-end thì họ chưa tạo được một thương hiệu nào có thể cạnh tranh với các đối thủ bên kia đại dương.

Chu Vĩnh - SG Tiếp Thị

1234[5]