Ở các số trước tạp chí NgheNhin Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết với những kiến giải có liên quan đến thuật ngữ hi-end.

Trong số ra tháng này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bước cơ bản xây dựng hệ thống hi-end audio mà phần lớn dựa trên nghiên cứu của Robert Harley. Từng là chủ bút tờ Absolute Sound, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về hi-end audio. Hy vọng, những thông tin trong bài viết sẽ giúp người có nhu cầu “sắm” được hệ thống hi-end audio phù hợp với khả năng tài chính và sở thích nghe nhạc của bản thân.
Trước khi vào chủ đề chính, chúng tôi xin lưu ý bạn đọc thuật ngữ hi-end dùng để chỉ chất lượng trình diễn của các thiết bị tái tạo âm nhạc, âm thanh, không liên quan đến giá thành sản phẩm. Nói cách khác, hi-end không đồng nghĩa với hi-price (đắt tiền). Và mục đích cuối cùng của thiết bị hi-end là tái tạo âm nhạc, truyền tải các thông điệp mà nhạc sĩ, nhạc công hay ca sĩ gửi gắm trong bản nhạc được ghi lại dưới dạng số (digital) hoặc tương tự (analog). Với người yêu nhạc và nghe nhạc, các thiết bị hi-end chỉ là cầu nối đưa họ đến thế giới diệu kỳ của âm thanh.

Việc lựa chọn hệ thống tái tạo âm nhạc chất lượng cao là một trong những quyết định quan trọng mà một audiophile phải cân nhắc khi mua sắm. Bởi lựa chọn thiết bị hi-end có ảnh hưởng không chỉ đến quá trình hưởng thụ và cảm nhận những xúc cảm nghệ thuật từ âm nhạc của người mua. Hệ thống có âm thanh xuất sắc có thể thay đổi cách thức hưởng thụ của người dùng khi âm nhạc bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của họ. Hệ thống hi-fi như phương diện để khám phá thế giới âm nhạc. Hệ thống càng tốt, “thế giới kia” càng rộng mở và hấp dẫn.

 

THẾ NÀO LÀ HỆ THỐNG HI-END TRỌN VẸN

 

Hệ thống hi-end trọn vẹn được xây dựng từ nhiều thiết bị. Mỗi thiết bị có sứ mạng riêng. Các thiết bị trong bộ dàn hi-end thường được chia thành ba nhóm chính: thiết bị nguồn, thiết bị điều khiển và thiết bị phát lại.

 

Thiết bị nguồn là bộ phận phục hồi tín hiệu audio từ vật trung gian lưu giữ thông tin. Đầu đọc đĩa compact là thiết bị nguồn khi nó phục hồi tín hiệu audio từ đĩa CD. Một số thiết bị nguồn phổ dụng khác như đầu đọc DVD – Audio, đầu đọc SACD, đầu đĩa than, tuner và các server audio kỹ thuật số. Thiết bị nguồn còn được gọi là tầng đầu (front end) do chúng là các thiết bị đầu tiên trong chuỗi thiết bị tái tạo.

Thiết bị kiểm soát là bộ phận pre-ampli (tiền khuếch đại, người chơi audio ở Việt Nam hay gọi theo cách dân dã là “cục rề”). Pre-ampli nhận tín hiệu từ các thiết bị nguồn, xử lý và cho phép loại tín hiệu nào được đưa vào ampli khuếch đại đến người nghe. Pre-ampli như trái tim của hệ thống hi-fi. Tất cả thiết bị nguồn đều đi qua pre-ampli – thiết bị điều chỉnh âm lượng, xử lý và chia tách các đường tín hiệu khác nhau.

 

Các thiết bị tái hiện bao gồm ampli công suất và hệ thống loa. Hai thiết bị này cùng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu đầu ra của pre-ampli thành âm thanh.


Toàn bộ hệ thống tái tạo âm thanh trên có thể được mô hình hóa như hình 1.

 

HOẠCH ĐỊNH NGÂN SÁCH

 

Từ ý tưởng về hệ thống hi-end audio đến bộ thiết bị trọn vẹn được lắp đặt và cân chỉnh phù hợp trong phòng nghe là hành trình dài với nhiều khó khăn, nhưng cũng rất thú vị. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những điểm then chốt để hiện thực hóa quá trình trên nhằm giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận và sở hữu hệ thống tái tạo âm nhạc tốt nhất, phù hợp nhất với khả năng và sở thích của bản thân.

 

Việc bạn định tiêu bao nhiêu tiền vào hệ thống tái tạo âm nhạc phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ tự ưu tiên và khả năng tài chính. Về thứ tự ưu tiên. Có thể một người coi bộ dàn trị giá 2.000USD là sự hoang phí, nhưng lại sẵn sang bỏ ra 7.000USD cho kỳ nghỉ ở Châu Âu. Ngược lại, người khác có thể thấy xót xa khi chi 7.000USD cho kỳ nghỉ, trong khi còn nhiều món hi-fi chất lượng cao cần nâng cấp.


 

 

Về năng lực tài chính của người chơi. Kết quả điều tra của các tạp chí hi-fi cho thấy: Mỗi năm, một audiophile tiêu tốn trung bình 10-15% tổng thu nhập vào thiết bị. Một đợt thăm dò khác cho thấy: trong khi một hệ thống audio có giá bán bình quân khoảng 18.000USD, thì có 20% lượng độc giả của các tờ báo hi-fi sở hữu các bộ dàn trên 35.000USD. Tuy nhiên, ranh giới của hi-end khá rộng với những hệ thống có giá rất khác biệt, từ dưới 1.200USD đến trên 200.000USD, do đó không nên để những con số này ảnh hưởng đến lối chơi của bạn. Những người sở hữu bộ dàn đắt tiền rất có thể không đại diện cho những tâm hồn yêu nhạc. Người chơi có thể lựa chọn một hệ thống với mức giá thấp hơn nhiều so những con số thống kê trên.

 

Một trong những chiến lược khá hiệu quả khi sắm hệ thống hi-end là dành khoản ngân sách tương đối để sắm thiết bị xứng đáng ngay lần đầu tiên. Thoạt tiên, việc mua sắm có vẻ khá tốn kém, nhưng người chơi được bù đắp bởi những khoảnh khắc thăng hoa cùng âm nhạc mỗi ngày và kéo dài trong nhiều năm sau đó. Sau một hoặc hai năm sở hữu và thưởng thức âm nhạc từ hệ thống, người mua có thể không còn nhớ đến món tiền phải bỏ ra. Nếu sắm được hệ thống chất lượng tốt, chúng ta sẽ không mấy bận tâm đến việc sau này phải bán chúng thế nào để mua món đồ tốt hơn. Nhiều khi, việc tiết kiệm lại trở nên phản tác dụng với hệ thống dưới mức trung bình. Hãy đưa ra quyết định đúng đắn ngay từ lần đầu tiên.

 

Một cách khác để quyết định xem nên đầu tư bao nhiêu tiền cho hệ thống hi-fi: chọn mức chất lượng của hệ thống khiến bạn hài lòng, từ đó tính ra số tiền cần đầu tư. Bạn nên đến các tiệm bán đồ âm thanh và yêu cầu người bán cho thử các hệ thống khác nhau. Mỗi hệ thống ở một cấp độ trình diễn khác nhau. Qua đó, người nghe với gu thưởng thức riêng sẽ tự nhận thấy hệ thống nào, mức chất lượng âm thanh nào phù hợp với sở thích nghe nhạc của bản thân.

 

Khi hoạch định ngân sách cho hệ thống hi-fi, người chơi cần phân định rõ hệ thống sẽ được sử dụng để nghe nhạc hai kênh đơn thuần hoặc được kết hợp để nghe nhạc phim hoặc nâng cấp thành một phần của hệ thống xem phim. Việc duy trì hệ thống xem phim đồng bộ với tối thiểu 6 loa trình diễn chất lượng cao cộng them pre-ampli đa kênh có thể tăng số tiền phải đầu tư lên đáng kể. Tuy nhiên, cũng có một vài phương pháp nâng cấp hệ thống 2 kênh thành đa kênh mà không làm cho chi phí tăng chóng mặt, nội dung này sẽ được đề cập ở các phần sau.

 

Trong các số tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi đến độc giả nhiều nội dung liên quan đến các bước tiếp theo khi hình thành hệ thống hi-end như: lựa chọn hệ thống phù hợp với nhu cầu, cách phân bổ ngân sách cho từng thiết bị, nâng cấp thiết bị, nguyên lý phối ghép… Mời độc giả cùng đón đọc.

Hệ thống Hi-Fi phù hợp không chỉ đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân mà còn phải tương thích với không gian trình diễn. Cặp loa đứng kích thước lớn khó phát huy tác dụng trong phòng nhỏ.


Tiếp tục nội dung của kỳ trước, trong phần II, chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả kinh nghiệm lựa chọn thiết bị phù hợp không gian thưởng thức âm nhạc, nhu cầu sử dụng thiết bị và cách thức xem các bài bình luận, đánh giá trên các tạp chí, trang web Hi-End sao cho hiệu quả.

 

ẢNH HƯỞNG CỦA PHÒNG NGHE

 

Hệ thống Hi-Fi phù hợp không chỉ đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân mà còn phải tương thích với không gian trình diễn. Cặp loa đứng kích thước lớn khó phát huy tác dụng trong phòng nhỏ. Chưa kể kích thước lớn “choán hết” diện tích của không gian hẹp, loa lớn trong phòng nhỏ thường bị dội bass hoặc âm bass bị “um”, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe.

 

 

Thông thường, để tái tạo âm bass sâu và chi tiết rất tốn kém. Do đó, hệ thống có âm bass sâu và hay, nhưng khi chơi trong không gian nhỏ hẹp sẽ phản tác dụng. Nếu buộc phải sử dụng trong không gian hạn chế, cùng mức đầu tư, người chơi nên nhắm đến cặp loa nhỏ (minimonitor) chất lượng cao, có thiết kế tập trung vào khả năng tái tạo dải cao, trung âm và trung trầm tốt. Với giải pháp này, người chơi sẽ lợi cả đôi đường: phòng nghe không bị quá tải bởi âm bass và cặp loa nhỏ trong không gian phù hợp có thể tái tạo âm hình tốt hơn, độ chi tiết và trong trẻo cao hơn. Không chỉ có vậy, nhờ vào giới hạn với tần số thấp của loa monitor mà âm bass được kiểm soát tốt hơn, ít ồn ào và gây phiền hà đến người xung quanh. Do đó, người nghe có thể thưởng thức âm nhạc với âm lượng tương đối lớn. Ngoài ra, việc kê đặt cặp loa nhỏ cũng dễ dàng và đơn giản hơn loa đứng.

 

Hệ thống Hi-Fi được cho là phù hợp cần đáp ứng “gu” âm nhạc của chủ nhân và tương thích với không gian trình diễn.

 

Ngược lại, một cặp loa nhỏ không thể mang đến cảm xúc đầy đủ cho người nghe trong phòng lớn. Những yếu tố như sức mạnh, độ động, độ mở và chiều sâu của âm bass, cảm giác sống động trong một số thể loại âm nhạc thường không xuất hiện ở cặp loa nhỏ. Nếu người nghe có phòng tương đối lớn và tài chính không còn là vấn đề quan trọng, cặp loa đứng toàn dải (full-range) là lựa chọn thích hợp nhất.

 

Lựa chọn ampli công suất cũng là yếu tố cần lưu tâm. Ampli phải phù hợp với loa và phòng nghe mới có thể phát huy thế mạnh của hệ thống. Phòng nghe rộng hoặc những cặp loa độ nhạy thấp luôn “đói” công suất ampli. Ngược lại, phòng dưới 12m2 và loa độ nhạy cao trên 92dB nhiều khi chỉ cần ampli từ vài W đến hơn vài chục W đã có thể tái tạo âm thanh sống động.

 

Rega – thương hiệu nổi tiếng nhờ chất lượng cao, giá bán hợp lý.

 

HÌNH THỨC HAY NỘI DUNG?

 

Sản phẩm hi-end audio có hình thức phong phú, từ những thiết bị có lớp vỏ máy (chassis) giản dị đến những món đồ có vẻ ngoài hào nhoáng hoặc hợp kim titan sắc lạnh. Trên thực tế, vỏ ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác chất lượng điện tử bên trong, mà đúng hơn nó phản ánh triết lý sản xuất của hãng.

 

Một số công ty cố gắng đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng âm thanh cao nhất với giá bán thấp nhất có thể bằng cách sử dụng vỏ máy đơn giản và ít tốn kém. Một số thương hiệu tiêu biểu cho triết lý sản xuất này là Creek, Rega, Cyrus, Arcam, Rogue Audio, Quick Silver Audio, Vandersteen, Definitive, Epos… Ngược lại, nhiều hãng sản xuất thiết bị “xa xỉ” có khi chỉ chế tạo hệ thống có chất lượng tương tự, nhưng lại đặt trong “bộ cánh” ấn tượng với vỏ kim loại dày 2,54cm được cắt bằng thiết bị laser hiện đại, bề mặt đánh bóng với 7 lớp sơn mài, logo và tên hãng khắc chìm trên mặt máy… Một nhà sản xuất thiết bị Hi-End đắt tiền từng tiết lộ: Họ có thể bán sản phẩm chỉ với… nửa giá tiền nếu sử dụng lớp vỏ máy rẻ tiền! Liệu như vậy có đáng với những người cho rằng chất lượng âm thanh là yếu tố quyết định đối với thiết bị audio?

 

Tệ hơn, nhiều nhà sản xuất có xu hướng chế tạo những thiết bị có chất lượng trình diễn dưới mức trung bình, nhưng được đặt trong vỏ máy bắt mắt, hấp dẫn. Khách hàng mục tiêu là những người thường đánh giá cao hình thức của thiết bị mà không mấy bận tâm đến chất lượng âm thanh. Người mua nên tránh những thiết bị loại này.

 

Trong khi có người chỉ tìm kiếm thiết bị có hình thức tao nhã, mang đến cảm giác của những món đồ đắt tiền, thì một số người khác lại quan tâm đến hệ thống âm thanh hay nhất, có chi phí thấp nhất. Với một số người yêu nhạc, hình thức của thiết bị luôn đứng sau yêu cầu âm thanh. Ở những người này, họ không quan tâm đến vẻ ngoài của thiết bị, miễn là có chất âm hay. Ngược lại, nhiều audiophile sẵn sàng trả tiền cho những thiết bị bóng bảy, thiết kế hoành tráng và tất cả món đồ liên quan với điều kiện phải lịch lãm và xa xỉ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận niềm kiêu hãnh không thể phủ nhận của chủ nhân những thiết bị audio thuộc hàng thượng đẳng.

 

Khi lựa chọn thiết bị Hi-End, người mua nên so sánh nhu cầu thực tế với triết lý sản xuất của các hãng audio. Bằng cách đó, người chơi không phải tốn tiền cho những bộ “áo” bóng bảy mà họ không mấy quan tâm.

PrimaLuna là một trong những hàng audio theo triết lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
06 lời khuyên hữu ích cùng bạn đọc:

 

-  Nên lựa một tác giả có uy tín, có thể tin tưởng.

-  So sánh cảm nhận của bản thân về thiết bị với nhận định của các chuyên gia.

- Sưu tầm và so sánh các nhận định của nhiều chuyên gia khác nhau trên cùng một thiết bị.

-  Không mua thiết bị nếu chỉ dựa trên ý kiến đánh giá của chuyên gia.

-  Tự nghe, cảm nhận và lựa chọn thiết bị.

-  Hãy để đôi tai của bạn quyết định.

 

Trong số tiếp theo, chúng tôi tiếp tục chuyển đến độc giả nội dung có liên quan đến việc phân bổ ngân sách và lắp đặt, hiệu chỉnh một hệ thống audio sao cho hiệu quả. Mời độc giả cùng đón đọc.


Loa toàn dải (full range) có đáp tuyến tần số mở rộng cả dải thấp lẫn dải cao, có thể là loa một hoặc nhiều đường tiếng, khác với loa toàn dải chỉ có một củ loa.

CÁCH XEM CÁC BÀI BÌNH LUẬN HI-FI

 

Thường có một cụm từ dành tặng các nhà viết phê bình mẫu mực trong lĩnh vực Hi-End: “Không sợ hãi, không đặc ân”. Những tạp chí uy tín thường không kiêng dè nhà sản xuất khi đăng tải những phê bình mang tính chỉ trích (đúng đắn), cũng không trông chờ “đặc ân” khi có những bình luận tích cực. Một bài đánh giá tốt phải cung cấp cho độc giả những quan điểm khách quan, nhận định có giá trị cao dựa trên góc độ kỹ thuật và thẩm định về âm thanh, chất lượng thiết kế, giá trị của sản phẩm.

 

Các bài viết của các tạp chí chuyên ngành Hi-End và tạp chí phổ thông có tính thị trường luôn có sự khác biệt. Tạp chí thị trường thường có bài viết theo thiên hướng quảng cáo. Còn tạp chí chuyên sâu về Hi-End thường định hướng đến độc giả với mục tiêu phục vụ số đông độc giả chứ không vì quảng cáo. Bởi thế, các bài bình luận trên tạp chí chuyên ngành thường xuất hiện ý kiến phê bình mà đa số tạp chí thị trường không muốn đăng tải. Như vậy, việc xem bình luận trên các tạp chí khác nhau về sản phẩm Hi-Fi cần được tiếp nhận theo tư duy và nhận thức khác nhau để tránh hiểu lầm đáng tiếc.

 

Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều audiophile mắc phải là tìm kiếm thiết bị được các tạp chí đánh giá cao, nhưng chưa nghe thử. Có một mẹo vặt để nhận biết sản phẩm đặc biệt, đáng quan tâm, đó là tần xuất hiện trên tạp chí Hi-Fi. Chắc hơn nữa là các tay viết quyết định mua luôn sản phẩm mà họ thẩm định. Điều này thường được nhắc đến trong các bài đánh giá.

 

Tuy nhiên, cũng không vì những bài viết đánh giá tiêu cực mà ruồng rẫy thiết bị đang sử dụng, bởi bạn đã hài lòng với hệ thống trước khi xuất hiện những nhận định tiêu cực đó. Vậy không nên vì bất kỳ lý do gì khiến tư duy thưởng thức của mình bị “bias” một cách dễ dàng như vậy.

>>PHÂN BỔ NGÂN SÁCH

Không có công thức bất định cho việc phân bổ ngân sách khi sắm dàn. Việc phân bổ ngân sách cho mỗi thiết bị phụ thuộc vào lựa chọn thực tế của người chơi và triết lý, quan điểm chơi của mỗi người.

 

Nhiều ý kiến cho rằng: với những bộ dàn tầm tiền, nên dồn nhiều ngân sách cho loa. Bởi ở mức này, hệ thống nguồn phát và tăng âm không có sự khác biệt quá nhiều và không có ảnh hưởng quyết định đến âm thanh tổng thể. Về khía cạnh nào đó, chúng tôi đồng tình với nhận định trên. Tuy nhiên, với những đôi tai khó tính đang trong quá trình xây dựng hệ thống nghe nhạc, quan niệm về tầm quan trọng của các thiết bị trong hệ thống lại có sự thay đổi rõ rệt. Một trong những nguyên lý cơ bản của hi-end audio là nếu tín hiệu đầu vào của chuỗi tái tạo âm thanh không tốt, thì không một thiết bị nào có thể cải thiện được chất lượng âm thanh.

Trên thực tế, tín hiệu liên tục bị suy giảm trên đường đi. Các thiết bị hi-end có nhiệm vụ hạn chế sự suy giảm này càng nhiều càng tốt. Nếu đầu CD trong hệ thống hi-end tiếng bị tươi, cứng và thiếu nhạc tính, thì âm thanh cuối cùng đến tai người nghe cũng như vậy. Tương tự, một cặp loa chất lượng cao trong chuỗi tái tạo âm thanh mà các thiết bị trước nó có âm thanh dở thì kết quả sẽ tệ hơn nhiều nếu thay vào đó cặp loa có chất lượng trung bình. Những cặp loa hi-end sẽ bộc lộ toàn bộ khiếm khuyết của những thiết bị trước nó trong hệ thống.

 

Chúng tôi từng có dịp kiểm chứng cặp loa có giá 400USD, được đánh bằng hệ thống trị giá 30 nghìn USD và một cặp loa có giá 9 nghìn USD được đánh bởi hệ thống rẻ tiền. Có thể thấy, các thiết bị khuếch đại và thiết bị nguồn đóng vai trò quan trọng không thua kém hệ thống loa trong bộ dàn. Dù cặp loa có ảnh hưởng đặc biệt đến âm thanh tổng thể, song thiết bị nguồn chất lượng cao (đầu phát tín hiệu CD hoặc đầu đĩa than…) và thiết bị khuếch đại tốt (pream, ampli công suất) là những yếu tố thiết yếu để xây dựng hệ thống hi-end có âm thanh giàu nhạc tính.

Việc phân bổ ngân sách cho mỗi thiết bị phụ thuộc vào cách lựa chọn, triết lý, quan điểm chơi của mỗi người, nên không có công thức bất định khi sắm dàn.

Dựa trên kinh nghiệm phối của nhiều audiophile uy tín trên thế giới, chúng tôi có thể tạm chia ngân sách cho bộ dàn dưới 2.000USD như sau:

Ampli tích hợp                                      750USD

Nguồn âm digital                                   400USD

Loa                                                      750USD

Dây tín hiệu và dây loa                          100USD

TỔNG CỘNG                                     2.000USD

 


Với hệ thống này, loa chiếm 37% chi phí, CD tích hợp chiếm 20%, ampli tích hợp chiếm 37%, dây tín hiệu và dây loa chiếm 5%. Chúng tôi từng có dịp thưởng thức những hệ thống tầm giá như vậy, song có khả năng trình diễn giàu nhạc tính. Nếu được phối ghép cẩn thận, những hệ thống hi-end trị giá 2.000USD có thể đạt đến điểm cốt lõi của sự tái tạo âm nhạc với chất lượng cao – có thể chuyển tải những thông điệp âm nhạc giàu cảm xúc đến người nghe. Thậm chí, nhiều hệ thống dưới 1.000USD cũng có thể tạo ra âm thanh giàu nhạc tính và dễ thưởng thức.

Với mức đầu tư khoảng 10 nghìn USD, người chơi có thể tham khảo cách phân bổ ngân sách như sau:

Preampli                                               2.000USD

Ampli công suất                                    2.000USD      

Nguồn âm digital                                   1.300USD

Loa                                                      4.000USD

Dây tín hiệu và dây loa                          700USD

Tổng cộng                                            10.000USD

Hoặc

Ampli tích hợp                                      3.000USD

Nguồn âm digital                                   1.000USD

Loa                                                      5.500USD

Dây tín hiệu và dây loa                          500USD

Tổng cộng                                            10.000USD

Trường hợp thứ hai chỉ hiệu quả khi cặp loa có độ nhạy cao, không đòi hỏi phối ghép ampli quá cầu kỳ, cần nhiều công suất. Tuy nhiên, thông thường một cặp loa không bao giờ chiếm quá 50% ngân sách cho cả bộ dàn. Tỷ lệ thường thấy là ngân sách dành cho loa tương đương với ngân sách dành cho hệ thống khuếch đại điện tử.

 

>>KÊ ĐẶT VÀ HIỆU CHỈNH HỆ THỐNG

Việc lắp đặt và hiệu chỉnh hệ thống âm thanh tại nhà có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong màn trình diễn của toàn hệ thống. Nhiều kỹ thuật, thủ thuật có thể chỉ rất nhỏ, nhưng có khả năng nâng cao chất lượng trình diễn của bộ dàn một cách rõ rệt.

Tất cả công việc liên quan đến việc lắp đặt, cân chỉnh hệ thống đều xuất phát từ việc chọn vị trí đặt loa phù hợp nhất với không gian phòng nghe. Dưới đây là một số lưu ý người chơi về việc kê đặt và hiệu chỉnh thiết bị sao cho hệ thống có thể phát huy tối đa những ưu thế vốn có.

Lựa chọn vị trí đặt loa sao cho tại vị trí người nghe, âm thanh tốt nhất. Nếu bước này không được thực hiện cẩn trọng, thì mọi cách sắp đặt và điều chỉnh tiếp sau đều vô nghĩa.

 

Trang bị các thiết bị tiêu tán âm cho phòng nghe. Những thiết bị này có thể nâng cao chất lượng trình diễn của hệ thống và có khả năng tạo sự khác biệt rất lớn giữa âm thanh tầm tầm và âm thanh đỉnh cao.

Để dây tín hiệu tránh xa dây nguồn xoay chiều. Nếu chúng buộc phải giao nhau, hãy tránh để hai loại dây này song song mà để chúng tạo thành góc phù hợp.

Để dây tín hiệu digital (dây nối giữa bộ cơ CD và bộ DA) tách biệt khỏi dây tín hiệu analog (dây nối giữa các thiết bị nguồn và preamp rời). Tần số rất cao dao động bên trong dây digital có thể gây nhiễu tín hiệu analog.

Tắt toàn bộ thiết bị kỹ thuật số khi chơi đĩa LP.

Cố gắng sắp đặt sao cho dây tín hiệu và dây loa ngắn nhất có thể. Song độ dài của dây ở hai vế phải bằng nhau.

 

Hãy để các thiết bị điện ở vị trí thông thoáng. Việc quá tải về nhiệt sẽ giảm tuổi thọ của thiết bị.

Hãy đảm bảo dây loa luôn gắn chặt với các đầu nối. Toàn bộ đầu vít của cọc đấu loa tại ampli và loa luôn xoáy chặt.

Sử dụng chất rửa chuyên dụng để vệ sinh định kỳ đầu cắm.

Duy trì khoảng cách hợp lý giữa pream và ampli công suất. Một cực biến thế cỡ lớn trong ampli công suất có thể phát ra tiếng ồn ở tần số 60Hz. Điều này thường xảy ra với tầng khuếch đại phono hoặc các pream phono rời.

Đặt các thiết bị liên hệ thống kệ vững chắc, ổn định. Kệ máy cập kênh có thể giảm chất lượng trình diễn của hệ thống, nhất là với đầu đĩa than.

Không sử dụng bóng đèn có chiết áp hoặc đèn huỳnh quang trong phòng nghe. Chiết áp có thể gây nhiễu khá lớn với dòng điện xoay chiều, tác động đến thiết bị trong hệ thống qua các dây dẫn điện xoay chiều.

 

Hãy thử dùng lọc nguồn xoay chiều. Thiết bị này có thể cải thiện rõ nét cho toàn hệ thống, song cũng có một số trường hợp không thực sự phù hợp. Cẩn cẩn trọng và nghe kỹ trước khi quyết định mua.

Nên thử các phụ kiện như chân chống rung và dây nguồn xoay chiều hi-end với điều kiện được trả lại cửa hàng trong trường hợp không thực sự phù hợp với hệ thống.

Với một số mẹo nhỏ trên đây, hy vọng bạn đọc sẽ rút ra những kinh nghiệm riêng để việc mua sắm, bố trí và lắp đặt hệ thống âm thanh được thực hiện hiệu quả nhất, mang đến những giây phút thư giãn, thăng hoa cùng âm nhạc.

 

Theo Nghe Nhìn

[1]2345