Đánh giá ampli tích hợp Sphinx – rẻ, khỏe, hay


Như Dũng
Sphinx (nhân sư) là ampli tích hợp đèn lai bán dẫn với mạch đầu vào chạy đèn, mạch ra class D, thể hiện phương pháp thiết kế, giá cả và giá trị của Rogue Audio (Mỹ).

Ampli đèn lai class D Rogue Audio Sphinx

Ampli đèn lai class D Sphinx, sản phẩm mới của Rogue Audio.

Sphinx có công suất 100Wpc 8Ohm, được Rogue Audio (công ty của Mark O'Brien đã tham gia thị trường 17 năm) thiết kế, sản xuất hoàn toàn ở Mỹ, được giải “Sản phẩm tốt nhất ở CES 2013” và “Giải thưởng lớn” của Tạp chí “Âm thanh tuyệt đối" (“The Absolute Sound Editors's Choice”. Ưu điểm của Sphinx là có hệ số kiểm soát loa rất cao (Damping factor > 1000) nên chơi gần như không kén loa. Tại CES 2013, Sphinx đã chơi với loa EgglestonWorks Model 9 Signature (20.000 USD/đôi) và cho ra kết quả rất tốt.

Song song với sản phẩm audio thuần đèn, Rogue Audio gần đây cung cấp một dòng sản phẩm ampli tích hợp lai, dùng pream đèn và công suất class D. Rogue Audio Sphinx là một ampli đèn lai bán dẫn hoàn thiện, thuyết phục, khỏe khoắn, ít tốn điện, ít kén loa và chạy mát. Rogue Sphinx dùng hai bóng đèn JJ-12AU7 trong phần preamp và mô đun Hypex UCD180 class D cho phần khuếch đại công suất đầu ra. Mark O’Brien sử dụng một biến áp hình xuyến dư lực 750watts. Mạch tai nghe có phần khuếch đại riêng giống ampli tai nghe được dùng trong tiền khuyếch đại đắt tiền của Rogue Audio.

Thiết kế bên trong ampli Sphinx rất đơn giản, tuân thủ triết lý "đơn giản tối thượng".

Vật liệu và thiết kế ngoại thất đủ tốt và rất cạnh tranh trên mức giá với mặt nhôm, nút nhôm cào xớ khá đẹp. Rogue Sphinx có ngõ vào phono MM, 3 ngõ vào RCA, 2 ngõ ra RCA cố định (record out) có tín hiệu bằng tín hiệu đầu ra của đầu phát có thể sử dụng cho trường hợp sao lưu dữ liệu và thay đổi (pream out) có thể cấp tín hiệu cho loa siêu trầm, hay chơi thêm môt bộ khuếch đại công suất. Rogue Sphinx có ổ cắm điện EIC, công tắc điện chính… Muốn mua máy có remote thép phải đặt hàng và trả thêm 100USD.

Rogue Sphinx hoạt động sau 20 giây từ khi bật công tắc chính ở mặt sau và công tắc nguồn ở mặt trước. Ngõ phono của máy rất hay nhưng nếu người nghe không có nhu cầu, Rogue Sphinx vẫn là một món hời. Hãng sẵn sàng đổi mạch phono thành đầu vào RCA thông thường nếu người dùng đề nghị. Được hỏi “Vì sao Rogue Audio lại cho ra Sphinx trong khi dòng Cronus Magnum đã và đang rất thành công?”, Mark O’Brien đáp: “Chúng tôi làm Sphinx vì niềm vui và mong muốn chia sẻ niềm vui với người chơi âm thanh”.

Phía sau ampli. Thiết bị có nhiều đầu vào, đầu ra tiện dụng.

Đặc tính kỹ thuật:

Thiết kế : Đầu vào đèn và đầu ra class D
Bóng đèn: 2 x 12AU7
Công suất phát ra liên tục: 100Wx 2 kênh ở 8Ohm; 180W x 2 kênh ở 4Ohm
Tần số đáp ứng: 5Hz - 20kHz ở 1dB
Độ méo âm tổng quát: <0,1% điển hình; <1% tại công suất định mức
Độ nhạy đầu vào: 1V RMS
Kích thước: 39,37 x 43,18 x 12,7 (cm)
Khối lượng: 11,36kg
Giá: 34.500.000 đồng
Tùy chọn remote thép: 2.120.000 đồng.

Các cấu hình và trải nghiệm

Để kiểm tra các tính năng và khả năng của ampli tích hợp Rogue Audio Sphinx, Test Lab đề ra kế hoạch trải nghiệm nó với loa công suất vừa (JBL Control Monitor 4312A, công suất 100W 8Ohm) và loa công suất lớn (Infinity Studio Monitor 150, công suất từ 10 – 300W 8Ohm), nghe với nguồn phát vào ngõ RCA như CD Player (Teac ZD 7000, Denon DCD 3300), Tape Cassette Deck (Tascam 112 MKII, Bang Oluffsen Beocord 9000); nguồn phát vào ngõ phono (mâm đĩa than chạy kim MM Pioneer XL-1551, kim MM Concept của Clearaudio). Dây sử dụng gồm dây nguồn Analysis Plus Power Oval; dây tín hiệu Analysis Plus Solo Crystal và dây loa Analysis Plus Oval 9.

Ổ cắm nguồn rời cho phép dùng dây nguồn xịn hơn khi có điều kiện.
Công tắc chính giúp ngắt hẳn mạch khi không chơi lâu.

Trải nghiệm đầu tiên là với loa JBL. Lập tức, Test Lab thấy đây là một ampli tích hợp rất nét, chững chạc với âm mid (âm trung) và treble (âm cao) tuyệt vời, nhất là âm cao. Cả các âm bass (âm trầm) cũng không bị lấn át. Người nghe có cảm giác nhẹ nhàng khi nghe các ca khúc nhạc trữ tình, nhạc jazz hay nhạc đồng quê nhưng cũng được kích động khi nghe loại “nhạc hành động”. Khả năng xử lý âm sắc, âm hình, âm lượng, độ động của Sphinx vượt xa trung bình. Ở CD Thanh Lam Acoustic, ampli xử lý tốt đến mức người nghe như cảm nhận rõ rệt từng âm, từng nốt, từng động tác lấy hơi của ca sĩ. Treble luôn luôn tỏa ra, hướng lên cao tơi, sáng, mịn, dịu… Người nghe dễ có cảm giác thăng hoa cùng ca sĩ. Nghe những CD Demo cho thấy âm nhạc được tái hiện trọn vẹn.

Với băng cassette như Sonaten Fur Streicher (các sonata cho dàn dây) của Rossini hay Schubert: Die schöne Müllerin (Muller xinh đẹp) & Schumann: Dichterliebe (Mối tình của thi sĩ) (các băng của Deutsche Grammophon), Test Lab thấy thích Sphinx ở khả năng tái hiện nguồn analog: rất dịu, mềm mại, truyền cảm mặc dù mạch khuếch đại chạy class D (D ở đây là viết tắt của chữ Digital). Dàn dây réo rắt nhưng khi cần phát huy cường độ cũng có thể lên đỉnh dễ dàng. Contrabass ở đây rất nét, chứng tỏ Sphinx xử lý bass hay. Hay như, giống ở các CD nhạc pop, jazz…, giọng người từ các ca khúc cổ điển của Schubert và Schuman đạt mức mê hoặc vì vừa gần gũi, vừa cao sang. Tiếng nhạc cụ đệm (piano) trong các ca khúc thuyết phục, thực sự là các màn song tấu cùng giọng ca. 

Thiết bị có 1 đầu vào phono MM, 3 đầu vào RCA,
1 đầu ra RCA cố định, 1 đầu ra RCA biến thiên và bộ đầu ra loa.

Chuyển sang nghe thử với loa Infinity, Test Lab quyết định nghe luôn mạch phono. Đĩa nhựa đầu tiên là Rodrigo: Concierto de Aranjuez & Villa – Lobos: Concerto for guitar and Small Orchestra do John Williams chơi guitar cùng English Chamber Orchestra, Daniel Barenboim chỉ huy (Đĩa nằm trong bộ sưu tập 100 LP nhạc cổ điển hay nhất của CBS/Sony). Chúng tôi giật mình vì không ngờ mâm đĩa than chạy kim MM lại có thể biểu diễn không kém mâm đĩa than chạy kim MC (chúng tôi có mâm Pioneer XL-1550 chạy kim MC Concept đối chứng). Đó là chưa kể máy chạy kim MC muốn ghép với ampli tích hợp Sphinx còn cần một phonobox hỗ trợ kim MC đi kèm. Nghĩa là, mạch phono MM của Sphinx rất tốt. Biết bao người ao ước nghe Concierto de Aranjuez bằng đĩa nhựa. Thì đây, Sphinx hỗ trợ nghe Aranjuez tới mức họ có thể hoàn toàn hài lòng. Là một concerto nhỏ nhưng Aranjuez sử dụng nhiều nhạc cụ độc tấu (soloist) và đây cũng là dịp để Sphinx khoe khả năng xử lý âm sắc, âm lượng, độ nét. Đặc biệt, chúng tôi không hề có cảm giác Sphinx đuối sức khi chuyển sang chơi với loa có công suất lớn hơn gấp 3.

Sau khi nghe thêm hàng loạt đĩa nhựa với loa Infinity, Test Lab trở lại kiểm tra với tình huống thường gặp nhất là nghe CD. Đặt CD Stockfisch records close to the music vào CD Player Denon DCD 3300 và nghe bản đầu tiên Beat Hotel, chúng tôi thấy, cũng như với loa JBL, với loa Infinity, nhạc được Sphinx xử lý đã được tái hiện nhuần nhuyễn, mềm mại (yếu tố đáng quan tâm nhất khi kiểm định xem ampli có bị thiếu công suất so với loa hay không), nét, chi tiết, nổi bật. So với JBL “thường thường bậc trung”, Infinity là loa lớn nên không gian âm nhạc được thể hiện ở đây cũng vậy, bề thế hơn, thích hợp các phòng nghe vừa và lớn. Ampli tích hợp Sphinx vẫn xuất ra thứ âm thanh đượm “chất đèn”. Magnum hơn Sphinx ở chỗ thuần đèn, hỗ trợ nâng cấp đèn công suất, đèn đầu vào để cải tiến hiệu năng khi có khả năng và nhu cầu. Nhưng, chưa kể giá bán và khi các ampli đều còn nguyên bản, chỉ xét khả năng xử lý nhạc thì Sphinx hơn Rogue Magnum.

 Nhìn chung, đây là một thiết bị khá đơn giản nhưng lại có nhạc tính rất tốt.
Ưu điểm: Mạnh mẽ, nhạc tính rất tốt. Khối lượng, kích thước vừa phải, nhiều tính năng.
Nhược điểm: Cọc bắt dây loa và các đầu cắm RCA làm bằng vật liệu đơn giản.
1111213[14]