Bộ Pre + Power Amplifier đèn của Rogue Audio:
Mạnh mẽ đầy duyên dáng
Bộ Pre và Power Amplifier đèn điện tử Metis-Atlas của Rogue Audio là một sự lựa chọn hấp dẫn. Tổng giá chỉ 2.800 USD (~58,5 triệu đồng), bộ máy được thiết kế lắp ráp 100% tại Mỹ và xét về âm thanh, bộ máy có khả năng đánh bại nhiều ampli tầm giá từ 3.000 đến 4.000 USD.
Rogue Audio - “hàng Mỹ không đắt”
Nhà thiết kế âm thanh Mark O'Brien, chủ hãng Rogue Audio là một người khi còn nghèo nhưng rất mê âm nhạc và muốn chơi hàng hi-end nhưng không dám vói tay… Nay, ông quyết làm ra các sản phẩm nghe thật hay, giá thật thấp để phục vụ lại người chơi âm thanh. Rogue Audio có sẵn trong tay một xưởng điện tử - cơ khí ở bang Pennsylvania và các nhà cung cấp linh kiện đều ở gần họ nên chi phí được cắt giảm tối đa; nhờ thế tuy làm ở Mỹ nhưng Rogue Audio không đắt như mọi người thoạt nghĩ. Điển hình là bộ preamplifier Rogue Audio Metis và cục công suất Atlas, giá tốt. Ngay cả hàng Trung Quốc hay Việt Nam lắp ráp cũng khó mà rẻ hơn… Bỏ qua vấn đề giá, đâu là điểm mạnh nhất của Rogue Audio để nó được người chơi audio thế giới tin dùng?
Rogue Audio Metis – preamplifier khôn ngoan
Khi Rogue Audio lấy tên preamplifier (giá tham khảo 1.200 USD, ~25 triệu đồng) này là Metis (Nữ thần khôn ngoan của thần thoại Hy Lạp), họ ám chỉ Metis sẽ biểu diễn hay cho dù giá rẻ. Metis đã đoạt được nhiều giải thưởng như sản phẩm giá rẻ hay nhất của năm 2005 "The Absolute Sound Budget Component of the Year"; sản phẩm tiêu biểu của báo Hi-Fi "Product of the Year 2006"+, sản phẩm có chất lượng ngoại hạng của Soundstage 2006… Nhiều người sành chơi chọn mua riêng pream Metis để ghép với công suất bán dẫn của họ nhưng khi kết hợp power Atlas với Metis, ta có bộ đôi mạnh mẽ và đầy duyên dáng!
Thông số kỹ thuật:
- 2 bóng chân không 6SN7
- Phono MM
- Headphone ampli
- 3 đầu vào RCA, 1 đầu vào Phono MM
- 1 đầu ra cho power, 1 đầu ra cố định.
- Size : Rộng 45,5 x Sâu 31,5x Cao 11,5 cm
- Nặng 10,5 kg / remote thép
- Chế tạo tại Mỹ 100%.
Rogue Audio Atlas – cục công suất mạnh mẽ
Power Rogue Audio Atlas (giá tham khảo 1.600 USD, ~34 triệu đồng) thiết kế kéo đẩy push-pull có công suất 55w x 2 dùng 4 đèn EL34. Máy được Stereophile đánh giá là ampli nên mua nhất trong tầm giá dưới 2.000 USD năm 2007. Nó có giải động tốt và đủ sức mạnh để kiểm soát những đôi loa nhỏ hay lớn có độ nhậy 87 db trở lên môt cách nhẹ nhàng không gắng sức.
Thông số kỹ thuật:
- Công suất 55 watts RMS x 2 kênh
- Dải tần đáp ứng 20Hz - 30kHz
- Đầu ra loa 4 Ohm và 8 Ohm
- 4 bóng công suất EL-34, 2 bóng lái 12AU7, 2 bóng đầu vào 12AX7
- Nắp đậy (bán riêng 100 usd)
- Kích thước: rộng, sâu, cao: 45,72 x 43,18 x 13,97 cm
- Nặng: 22,7 kg.
Lựa chọn cấu hình test
Chúng tôi dành cho bộ đôi nhiều sự lựa chọn. Bản thân bộ đôi đủ hấp dẫn nên khi “cài cắm” với nhiều lựa chọn, chúng tôi không tiếc công. Khi khảo sát riêng từng máy trong bộ đôi Metis – Atlas, tôi nối Metis với phần công suất riêng của ampli tích hợp Rogue Audio Tempest và thí nghiệm đánh Atlas bằng ngõ pre out của ampli Marantz Esotec. Trong quá trình test các cặp loa bass 30cm là 4312A và KL-5080, chúng tôi còn cho chạy đôi loa AR TSW 610 (đấu vào Tempest) để đối chiếu. Nói chung, việc test bộ đôi có thể coi là rất kỹ lưỡng và điểm đánh giá riêng cho mỗi thiết bị trong bộ đôi Metis-Atlas này là đủ tốt.
Đầu tiên, chúng tôi thử bộ đôi với cặp loa Infinity Studio Monitor 150 và đầu quay CD Denon DCD 3300, Cassette TapDeck Tascam 112 mKII, Turntable Marantz 6170. Tiếp theo, chúng tôi thử bộ đôi với cặp loa JBL Control Monitor 4312A, đầu quay CD Teac ZD-7000, Cassette Tape Deck Tascam 112R, Turntable Otto TP-150.
Sau đó, chúng tôi thay cặp loa 4312A bằng cặp loa cổ Kenwood KL-5080. Đây là cặp loa 4 đường tiếng, 5 củ mỗi thùng (1 bass 30cm, 1 mid 16cm, 1 treble dome và 2 super treble cone) công suất 70W max/bên. Loa thiết kế để có thể chơi 3 ampli hay 3 bộ dây loa và có nút chọn được chế độ âm phát (mềm, trung bình hay trong sáng). Loa KL-5080 xuất xưởng năm 1973 và già hơn JBL 4312A khoảng 15 tuổi, nó có độ nhạy ~100dB và được chọn làm “người phát ngôn” chính thức của bài test.
Mạnh mẽ đầy duyên dáng
Sau một tuần chạy rà, chúng tôi bắt tay vào test (trên KL-5080). Một điểm lạ ở pre Metis là núm Volume đặt “mức câm” ở vị trí 8h lệch hẳn so với các volume truyền thống thường nằm ở vị trí 7h. Chúng tôi đặt mức âm lượng ở 10h và test với đĩa đầu tiên là Brahms: Violin Concerto do Isaac Stern & Ormandy + Philadelphia Orchestra.
Nói bộ đôi này “mạnh mẽ đầy duyên dáng” rất giống với quảng cáo nhưng không còn cách nào nói ngắn gọn mà chính xác hơn thế, nhất là khi nghe repeat đến 2 vòng CD này. Tiếng dàn dây rất duyên dáng, dứt khoát trong khi tiếng solo violin của bậc thầy cổ điển Isaac Stern thì mạnh mẽ và tròn trịa, uyển chuyển và cương quyết… Bè trầm xuống rất sâu và ấm áp trong khi dải cao rất thanh thoát và mịn. Âm trung quá tuyệt, nó dẫn dắt người nghe từ hết nốt này sang đoạn khác, lượn quanh các khúc mắc, lúc dồn dập, lúc khoan thai. Người ghiền tiếng violin luôn chờ đợi giây phút nghệ sĩ dằn ắc-sê và âm thanh đầy gai góc cất lên sâu sắc đến buốt óc. Và, ở đây cũng vậy, mỗi lần chủ đề chính nổi lên là người nghe lại càng mãn nguyện hơn. Thật khó tin là Isaac Stern và Ormandy và Dàn nhạc Philadelphia lại có được bản thu tốt như vậy.
Tiếp tục nghe bộ đôi và KL-5080 thể hiện đĩa CD Chopin: Piano Concerto No2 & 24 Preludes do Maria Joao Pires & Royal Philharmonic Orchestra + Andre Previn. Trong 2 Piano Concertos để đời của Chopin, bản số 2 ngắn hơn nhưng sâu mạnh, khúc triết hơn với đoạn giữa chương 2 (sang phút thứ 5, 6…) có thể thể hiện thành như một anh hùng ca, điều rất ít nghệ sĩ đạt tới, kể cả Pires (có thể do quan niệm Chopin là thi sĩ hơn là triết gia).
Tiếng piano vang lên như chuông, cho dù có rền vang thế nào cũng không bị vỡ tiếng chuông tròn trịa này. Điều đó càng cho thấy giải pháp xử lý của bộ đôi rất gần với mong muốn về sự hoàn thiện của từng tiếng đàn trên hi-end... Điều này càng thấy rõ ràng hơn khi nghe 24 preludes để đời cho Piano của Chopin. Maria Joao Pires là một trong những nghệ sĩ chơi Chopin hay nhất: từng ý đồ (về nội dung) đến từng động tác nhấc tay, hạ ngón trên dàn phím, hay đạp thả pedan (về kỹ thuật) của bà đều điêu luyện cả.
Chúng tôi còn test bộ đôi Metis - Atlas với các CD guitar (như Castelnuovo-Tedesco: Guitar Concerto Nos 1&2 và Concerto for 2 guitars do Kazuhito + Naoko Yamashita & London Philharmonic + Leonard Slatkin…) cũng bằng cấu hình đã dùng để nghe Stern và Pires. Guitar Concerto No1 Op.99 D-dur bị Kazuhito Yamashita chơi nhanh hơn nhiều so với John Williams (một guitarist nổi tiếng thế giới khác) nhưng rất thuyết phục. Tiếng đàn căng đầy, nét, không hề bị lép (để tiếng lép là thứ lỗi khá dễ mắc của các guitarist). Cả 3 Concerto của Mario Castelnuovo-Tedesco (1895 – 1968) đều thuộc hàng làm nên cây đàn guitar cổ điển hiện đại và đều hay khi nghe với lựa chọn đã nêu. Yamashita hiện là guitarist đáng kể nhất do kỹ thuật siêu phàm và tinh thần phụng sự âm nhạc bác học cùng kết quả lao động rất đồ sộ.
Khả năng mở rộng - Giá trị lâu dài
Chúng tôi đặt đĩa than hay dùng để test đồ là “Dvorak: Symphony No9 in E-Minor, Op95 “From The New World” do Karel Ancerl và Czech Philharmonic Orchestra chơi (bản thu của Supraphon, Columbia mua lại xuất bản tại Nhật Bản năm 1975). Nghe tiếng dàn dây với “analogue thuần” còn mịn màng, dịu dàng, hay hơn rất nhiều. Tiếng bộ gõ, bộ hơi cũng vậy, chúng thật hoàn toàn. Đặc biệt là dàn trống cổ điển – màng da trống cực căng, tay gõ trống thì rất dứt khoát, đanh thép. Bộ kèn gỗ mềm mại uyển chuyển… Dàn kèn đồng (đầu chương 4) hoành tráng, lộng lẫy! Nói chung, tiếng của tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc đều được phân biệt, nhận biết một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác.
Đặt cassette Richard Wagner do Simon Estes & Staatskapelle Berlin + Heinz Fricke (Bản ghi mẫu/không dành để bán – Sample Record/Not For Sale), cảm giác tuyệt vời mà các trích đoạn opera nổi tiếng của Wagner Die Walkure lại ập đến. Trong lần test giải pháp Nhạc kịch tại gia (e++ tháng 7/2011), chúng tôi đã nghe 2 LP box bộ opera Der Ring Des Nibelungen, trong đó vở opera Die Walkure là vở thứ 2 của bộ opera này. Đáng lẽ, ở cassette, chất âm sẽ “dài và dẹt” còn ở phono sẽ “căng và tròn” nhưng ở đây, thật sự thì không có sự khác biệt đáng kể về chất âm (chỉ có sự khác biệt rõ ràng ở tiếng xì nhẹ của băng cassette và tiếng lạo xạo nhẹ đặc trưng của đĩa than). Giọng ca nam trầm – nam trung (bass-baritone) của Simon Estes truyền cảm và quyến rũ đặc biệt. Nó rất tự nhiên, không gắng gượng nhưng cực kỳ lý tưởng và vì thế hoàn toàn thuyết phục.
Metis có 2 đường phát ra: ngõ biến đổi variable (pre-out) và ngõ phát ra cố định Fixed có thể kết nối với bất kỳ Ampli tích hợp như Tempest hay Power có núm chỉnh volume nên ta có thể chơi 2 bộ dàn chung một nguồn phát và kỳ này nó là giải pháp đối chứng của chúng tôi. Nhờ giải pháp này, chúng tôi có thể dùng 1 pream Metis điều khiển Atlas đánh loa KL-5080 và cùng lúc đánh Metis - Tempest với AR TSW 610, thậm chí, chúng tôi có thể cho cả hai bộ loa chơi cùng lúc.
Khi nghe với Infinity Studio Monitor 150, có lẽ do Atlas chạy bóng công suất EL-34 hợp hơn Tempest chạy bóng 6550 nên cảm giác âm thanh Atlas “mềm” hơn Tempest. Rogue Audio Tempest nghe với Infinity đủ gắt nhưng cũng khá xinh xắn khi chuyển trở kháng đầu ra thành 4 Ohm và cho chơi cùng AR TSW 610. Chúng tôi test Atlas với JBL 4312A (93dB) xét về chức năng chân thật thì khỏi chê tuy nhiên nó kém ở nét quyến rũ so với 2 bộ loa sau. Infinity Studio Monitor 150 nghe rất đạt vì độ nhạy rất cao (102 dB) nhưng nghe hay nhất là Atlas với loa Kenwood KL-5080 do độ nhạy của loa này cũng rất cao, công suất đòi hỏi lại không quá lớn. Chúng tôi không thử Atlas với AR TSW 610 vì ngại chỉnh trở kháng 8 Ohm ra 4 Ohm.
Cuối cùng, chúng tôi trải nghiệm Metis với 2 bóng 6SN7 khác, của Penta Laboratories Chatsworth, CA, USA (Made in China). Vâng, dường như là bóng xịn nên cũng khác hẳn: Tiếng của bộ dàn đậm chắc hơn, lảnh lót hơn, thánh thót hơn... Mọi thứ lại được nâng cấp thêm một lần nữa. Chúng tôi nghe đĩa than Kazuhito Yamashita – Guitar Recital do Nhà xuất bản JVC thực hiện tại Nhật Bản năm 1979 với các bản nhạc guitar bất hủ của các nhạc sĩ viết cho guitar bất hủ như Ferdinand Sor, Benjamin Britten, Mario Castelnuovo-Tedesco và John William Duarte để kết thúc chương trình trải nghiệm bộ đôi Metis – Atlas. Đây là đĩa than được thực hiện sau khi Yamashita đoạt hàng loạt giải thưởng trong nước (Nhật Bản) và quốc tế trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Cảm giác thật là hạnh phúc – thứ hạnh phúc của người được hưởng “trái cây vừa chín tới” qua sự chế biến của “bộ dàn - đầu bếp” lão luyện.
Một cặp linh kiện nhỏ cần có mà chúng tôi đã dùng khi test là 2 “viên đạn mỏ chim” Totem Acoustic Beak (e++ tháng 11/2011) đặt trên đầu rìa 2 loa. Khi có Beak, vị trí của loa dường như biến mất, chỉ còn lại không gian sân khấu lý tưởng. Khi đặt cặp Beak ở rìa trên 2 loa ngoài, ngay cả 2 loa xếp phía trong cũng như được nới dịch ra phía ngoài nên có thể nghe cùng lúc 4 loa mà vẫn chấp nhận được.
Kết luận: Tính năng đa dạng của Metis giúp người dùng chơi được nhiều nguồn nhạc ở nhiều thời kỳ như LP, Cassette, CD, còn Power Atlas thì đủ khoẻ khoắn để điều trị được nhiều loại loa nên bộ đôi Rogue Audio Metis - Atlas này có thể phục vụ âm nhạc nhiều thập niên cho chủ nhân của nó.
Điểm mạnh: Rẻ - Đẹp - Bền - Hay, có tiện nghi cao cấp “tự chỉnh Bias” kèm theo power Atlas.
Điểm yếu : Cọc bắt loa thiếu vị trí 4 Ohm nên người dùng phải mở nắp máy để đổi từ 8 Ohm sang 4 Ohm khi cần.
Tham gia khảo sát:
Phần cứng: Pream Rogue Audio Metis, Power Atlas và Integrated Tempest (dùng chức năng Power in); Ampli Marantz Esotec PM5 có chức năng Pre Out; CD Player Denon DCD-3300; Teac ZD-7000. Cassette Deck Tascam 112 mkII và 112R. Turntable Otto TP-150 và Pioneer XL-1551. Dây nguồn và dây tín hiệu Monster; lọc điện APC; biến áp cách ly ACME.
Phần mềm: CD: Brahms: Violin Concerto do Isaac Stern & Ormandy + Philadelphia Orchestra (Produced by Howard Scott); Chopin: Piano Concerto No2 & 24 Preludes do Maria Joao Pires & Royal Philharmonic Orchestra + Andre Previn (Deutsche Grammophon); Castelnuovo-Tedesco: Guitar Concertos Nos 1&2, Concerto for 2 guitars – Kazuhito + Naoko Yamashita & London Philharmonic + Leonard Slatkin (RCA Victor RedSeal). Cassette Richard Wagner do Simon Estes & Staatskapelle Berlin + Heinz Fricke (Philips). LP: Dvorak: Symphony No9 in E-Minor Op95 “From The New World” (Columbia 1975 – Supraphon); Kazuhito Yamashita – Guitar Recital (JVC, 1979).
Cung cấp thiết bị: Audio Choice, www.amthanhvang.com