PrimaLuna DiaLogue Two: thâm tình người và nhạc

Như Dũng

PrimaLuna DiaLogue Two là máy khuếch đại tích hợp đèn đủ chuẩn để đáp ứng mọi nhu cầu nghiêm ngặt của những người đam mê âm thanh, là nơi mà người và nhạc có thể gửi gắm thâm tình.

PrimaLuna DiaLogue Two

PrimaLuna DiaLogue Two [giá tham khảo 3.000USD là một ampli đèn tích hợp ‘hạng nặng’ về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Năm 2007, sau thành công vang dội của dòng sản phẩm ProLogue (‘lời nói đầu’), nhóm thiết kế của Marcel Croese đã cho ra đời sê-ri DiaLogue (‘lời đối thoại’) như tuyên ngôn thật sự của Primaluna với thế giới âm thanh bằng dòng sản phẩm có giá trị nên dù là DiaLogue One hay Two, chúng đều được đánh giá là những ampli tích hợp đèn hay nhất hiện nay. Ngoài các ưu điểm sẵn có ở serie ProLogue như mạch tự động tinh chỉnh phân cực AAB (Auto Adaptive Bias) giúp máy hát hay, ổn định và cho phép thay nhiều loại đèn khác nhau để chọn gu nhạc theo ý muốn, DiaLogue còn được trang bị thêm các ‘vũ khí nặng’ sau:

* Transfo xuất âm mở rộng tần số nặng gần gấp 2 lần của ampli ProLogue nhưng không tăng công suất phát. Nhờ thế DiaLogue hoạt động vững và ổn định, không tạp âm và giảm độ ồn đến mức cực thấp nên hiệu suất của DiaLogue sánh như ampli trên 100watt.
* Có mạch Triode và chất vocal quý giá.
* Máy chất lượng cao nặng gần 30kg/cái, như các ampli lớn. Nhìn hầm hố.
* Remote thép, lớn đẹp như remote của máy có trị giá trên 5.000USD.

Trong chế độ vận chuyển, các bóng công suất được bao gói bằng ống mút dai, dẻo trắng.

Khi ampli đèn hoạt động, chế độ Triode (đang chạy) hiển thị bằng màu đỏ ở đèn hiệu nhỏ nằm chính giữa - phía trước của dàn đèn. Ở chế độ Untralinear, đèn hiệu chuyển sang màu xanh lá. Chuyển chế độ chơi của ampli bằng remote thép đi kèm máy.


Ruột máy, nhìn từ dưới (ảnh của hãng).

Đặc tính kỹ thuật:

Công suất đầu ra: 38watt x 2 (Ultralinear); 21watt x 2 (Triode)
Tần số đáp ứng: 10Hz - 30kHz ở +/-0,5dB
Chế độ Ultralinear hay Triode chọn lựa trên remote.
Độ méo tiếng tổng quát THD: nhỏ hơn 1% ở công suất tối đa
Tỷ lệ tín hiệu trên độ ồn S/N Ratio: 89dB
Độ nhạy đầu vào: 270mV
Đầu vào: 5 cặp RCA, 1 cặp Home Theater dùng kết hợp ampli AV.
Đầu ra: 1 cặp RCA Tape Output; dàn cọc loa 4Ohm, 8Ohm 
Bóng chân không: 2 bóng 12AX7, 2 bóng 12AU7, 4 bóng KT88.
Công suất tiêu thụ: 250watt
Kích thước: Rộng 38,6cm x Cao 21,1cm x Sâu 40,64cm
Khối lượng: 28,94kg.

Cầu nối tin cậy với âm nhạc

Ngay khi tiếp xúc với Ampli đèn tích hợp PrimaLuna ProLogue Premium (e++ tháng 7/2011), chúng tôi đã bị ngoại hình thiết kế và nội dung xử lý âm nhạc của nó thuyết phục. Chuyển sang tiếp xúc với model PrimaLuna DiaLogue Two cùng dáng dấp nhưng đẳng cấp cao hơn, chúng tôi có cảm tưởng yên tâm tuyệt đối. Cảm nhận đầu tiên với DiaLogue Two sau khi khui thùng, đó là một người bạn mới khả tín, sẽ là một cầu nối tin cậy cho người và nhạc!

Dóng với loa Images In Grey dB10.6, đầu quay Teac-ZD7000 xong, bật chờ đèn nóng rồi đặt một CD quen lên nghe: Một thứ nhạc nằm sâu trong tiềm thức lại được gọi dậy: ngọt ngào, dạt dào, du dương, mạnh mẽ; trong sáng, thiết tha, ngân nga, cuốn hút… Về mặt mang lại những cảm xúc, DiaLogue Two không thua ampli tích hợp khủng KWI 200 của ModWright chúng tôi đã trải nghiệm (Thế Giới Vi Tính số 3/2012). Về “lý lẽ”, DiaLogue có thua KWI 200 ở chiều sâu âm trường…

Cảm nhận tốt đẹp ban đầu là qua cặp loa Images In Grey và đôi dây loa Analysis Plus Silver Oval (giá tham khảo ~18 triệu đồng/bộ/2m). Images In Grey là cặp loa bốn đường tiếng trở kháng 8Ohms công suất 110W. Ở công suất loa này, DiaLogue Two công suất 38W RMS hoàn toàn đáp ứng tốt (một Watt của “đèn” có thể “gánh tốt” nhiều Watts của loa; thậm chí ampli đèn vài W cũng có thể “trị êm” những cặp loa đòi hỏi công suất tới một trăm W).

Lần này, chúng tôi đã có dịp sử dụng 2 cặp dây loa khủng của hãng Analysis Plus là Solo Crystal Oval 8 dùng sợi dẫn đồng pha lê (giá ~42 triệu đồng/bộ 2,44m) và Big Silver Oval chất liệu đông phủ bạc tinh chất (giá ~28,35 triệu đồng/bộ 2,44m). 2 bộ dây loa giá trị, ghép với Images In Grey dB10.6, đẩy nhạc lên mạnh mẽ hơn, đẹp đẽ hơn nhiều so với dây loa “khởi đầu” Analysis Plus Oval 12/2 (giá ~3,2 triệu đồng/cặp) mà chúng tôi hay dùng để khảo sát các giải pháp hi-end tầm trung và thấp. Dây tín hiệu lần này cũng của Analysis Plus model Solo Crystal Oval (giá ~11,7 triệu đồng/bộ 1m). Cặp dây loa và dây tín hiệu kỳ này khiến chúng tôi không còn gì phải băn khoăn và chúng đã trở thành phương án chọn để trải nghiệm DiaLogue Two. Sau đó, chúng tôi nghĩ vẫn nên có thêm loa đối chứng và đã chọn thêm một cặp loa 4Ohms để thử luôn năng lực xử lý loa trở kháng thấp của DiaLogue Two. Đó là cặp loa Celestion Impact 35, công suất max 200W, sản xuất tại Anh cuối thập niên 1990 và thêm một cặp loa cổ của Nhật.

Xử lý mọi loại nhạc

Mọi người thường chỉ chọn nghe một vài dòng nhạc. Mỗi dòng nhạc sẽ có một số đòi hỏi khá riêng biệt. Đòi hỏi cao nhất là dòng nhạc cổ điển, mọi thứ đều cần phải hoàn hảo. Nhưng có khi sản xuất một thiết bị hoàn hảo theo kiểu “bình chuẩn” lại dễ hơn sản xuất một thứ thiết bị thiên vị cho một hướng nào đó. Nói chung, các nhà thiết kế thiết bị hi-end đều hướng đến khả năng xử lý đa dạng mọi thể loại nhạc không để lỗ hổng ở một loại nào đó mà sẽ bị “xuống hạng”. Còn lại những thiếu sót nhỏ, người chơi sẽ giải quyết dễ dàng nhờ phối ghép và phụ kiện để có thứ âm mà họ mong muốn.

DiaLogue Two là thứ ampli xử lý mọi loại nhạc một cách hứng thú, miễn chê. Nó là một ampli mạnh mẽ thực sự - toàn bộ phần trải nghiệm của chúng tôi không sử dụng volume quá mức 9h. Ở âm lượng này, độ méo cao độ nếu có của ampli là không thể cảm nhận được. Đĩa đầu tiên chúng tôi nghe với loa Images In Grey dB10.6 trong đêm trải nghiệm là Diana Krall – When I look in your eyes – một đĩa nhạc jazz tốt. Giọng ca trầm ấm, chân thật trên nền nhạc đệm chắt lọc mà đầy đủ bass – midle – treble tách bạch, du dương, chậm rãi, khoan thai, nhí nhảnh…

Với CD “Linn Records – The Super Audio Collection Volume 5” vẫn dùng để thử máy và các đĩa độc tấu, hoà tấu, hợp xướng khác, DiaLogue Two xử lý âm sắc ở mức tuyệt vời, phân biệt rất rõ từng loại nhạc cụ, giọng ca. Tiếng piano “tròn lẳn”, “câng câng” lăn trên dàn phím của cây đàn “kê chơi ngay phía trước”; tiếng cello đầy dày chặt chẽ, ‘ôm cuộn vào lòng’ ở bass; mơn trớn, réo rắt ở midle; gây sởn gai ốc ở phần treble của các nốt giằng… Tiếng guitar thùng và guitar điện không hộp cộng hưởng khác nhau hoàn toàn vì chúng là hai nhạc cụ khác nhau. Những tiếng rất đa dạng của đàn violin cũng đều được xử lý kỹ và phân biệt như là chúng được kêu từ đàn chứ không phải từ dàn…

Có một đòi hỏi (thường là khó khăn với các bộ dàn) phải diễn đạt “thái độ”, “cảm xúc” của nghệ sĩ chính xác nhất qua từng nét nhạc. DiaLogue Two đã thực thi nhiệm vụ đó rất đơn giản vì mức độ tinh tế của ampli rất cao. Đặc biệt, nhờ vào nền âm của ampli đặc biệt tĩnh mà các thay đổi trong thể hiện dù rất nhỏ đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Dàn với DiaLogue Two hoàn toàn không xử lý sai trường độ, nó không vội vàng mà cũng không ề à, xử lý thời gian thực 100%!

Đối thoại tốt với nhiều loại loa

Ưu điểm: Thiết kế khoa học, chắc chắn, đẹp. Xử lý trung thực, mạnh mẽ, nhuần nhuyễn, tinh tế và quyến rũ… Mang lại cảm giác tin cậy tuyệt đối cho người chơi.

Nhược điểm: Nặng, nóng, cần kệ kê máy chắc chắn, ổn định, thoát nhiệt.

Nếu trên loa Images In Grey, âm nhạc tràn đầy sức sống, từng âm “da thịt căng mọng” thì trên Celestion Impact 35, âm nhạc lãng mạn, gai góc và từng trải mặc dù xét cho cùng loa sau không bằng loa trước. Khi chúng tôi chơi DiaLogue Two với Celestion Impact 35, có vẻ như nó bị đòi hỏi âm lượng hơn so với khi chơi cùng Images In Grey. Mức chênh này vào khoảng một hai lần nhấn (rồi buông ngay) thêm về phía tăng volume trên remote của DiaLogue Two. Là do Celestion có công suất đòi hỏi lớn hơn Images.

Chuyển sang nghe DiaLogue Two với cặp loa Living Audio CE-1ac 50W, 8Ohm, độ nhạy 101dB (loa Nhật), chúng tôi thấy âm nhạc giờ đây “nằm giữa” Images In Grey dB10.6 và Celestion Impact 35. Tiếng cello của Jacqueline Du Pre (trong CD Brahms Cello Sonatas của bà với chồng là pianist Daniel Barenboim) vang lên tròn căng như trên Images In Grey dB10.6 nhưng thâm trầm hơn thiên về Celestion Impact 35. Trong đĩa này, bài số 5 là Chương 2, Cello Sonata No2 của Brahms có một số nốt pizzicatto bị Jacqueline Du Pre “phiêu nặng”, búng gảy quá tay gây méo tiếng. Những tiếng đàn “lạ” này đã khiến chúng tôi bị một phen hoảng hồn, hú vía, phải kiểm tra dàn, thử đi thử lại nhiều lựa chọn trên mấy cặp loa, với mấy cặp dây loa khác nhau…

DiaLogue có thể trị tốt nhiều loại loa nhưng nó không những không áp đặt giọng của nó lên những loa đó mà còn tôn thêm các giá trị vốn có của chúng lên. Đến mức, chúng tôi có thể đoán loa nào (đã từng nghe) sẽ kêu thế nào với ampli này. Tính vùng miền là một cạm bẫy. Nó giam hãm, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng đối với nhiều nhà sản xuất trang thiết bị hi-end. Là dấu ấn văn hoá địa phương mà các nhà sản xuất đó để lại hoặc vướng phải. DiaLogue Two đã vượt trội so với ProLogue Two về tính vùng miền: Nếu ProLogue vẫn là một ampli châu Âu thì DiaLogue đã đạt đỉnh phong cách quốc tế hoàn toàn, nó hỗ trợ, đối thoại tốt đẹp với mọi loại loa và tôn chúng lên.

Trở lại với DiaLogue Two và cặp loa Mỹ (mà theo chúng tôi cũng đã thoát được tính vùng miền) là Images In Grey dB10.6, chúng tôi tắt điều hoà, lắng nghe một trong những đĩa quen thuộc nhất: Helene Grimaud: Beethoven Concerto No5 “Emperor”… Những tiếng trống dồn ở 1ph40 và 1ph44 vốn dễ bị chìm khuất ở nhiều giải pháp giờ nổi lên rõ ràng, dõng dạc.

Chúng tôi đã nghe kỹ cả 2 chế độ Triode và Ultralinear mà DiaLogue Two có hỗ trợ: ở chế độ Triode, âm nhạc nổi và thật hơn còn ở chế độ Ultralinear, âm nhạc phẳng và sạch hơn, nhưng dù ở chế độ nào thì chất âm cũng rất quyến rũ.

Cung cấp thiết bị: Audio Choice