Trong việc mua sắm dàn máy nghe nhạc hay xem phim, các loại dây thường chỉ được chi một ngân sách rất nhỏ. Vì, người mua thường không biết mình bị mất biết bao thứ hay khi chưa sử dụng dây dẫn tốt và cao cấp!

Kinh nghiệm với các dàn hi-end cho chúng tôi thấy, dây nguồn, dây tín hiệu, dây loa luôn là thành phần chính (không phải là phụ kiện), cần được đầu tư phù hợp vì thiết bị chỉ phát huy hết năng lực khi có dây dẫn tốt trợ lực. Vì thế, nhiều chuyên gia trong ngành đã đưa ra một công thức khá hợp lý sau:

+ Đối với dàn Mid-end dưới 5.000 USD, người chơi nên đầu tư cho dây từ 10% -15% giá trị bộ dàn
+ Đối với dàn Hi-end từ 5.000 USD - 15.000 USD, người chơi nên đầu tư vào dây khoảng 20% giá trị bộ dàn
+ Đối với dàn Super Hi-end trị giá trên 20.000 USD thì thường tiền đầu tư vào dây đến trên 30%

Dây tín hiệu Solo Crystal Oval-In.

Dây loa Solo Crytal Oval 8

Dây tín hiệu Silver Oval In

Dây loa Big Silver Oval

Ví dụ:

• Dàn trung cấp Mid-end gồm bộ đôi Music Hall 35.2 (CD+ Ampli) và loa Paradigm Monitor 11, tổng giá 3.200 USD (~67,2 triệu đồng) thì ta nên mua dây trên dưới 10% và bộ dây loa Analysis Plus Oval-12 và dây tín hiệu Analysis Plus Oval One (340 USD, ~7,14 triệu đồng) là lý tưởng.
• Với dàn hi-end loa nhỏ Reference 3a Dulcet + Ampli Rogue Cronus Magnum + CD đèn Primaluna Classic, tổng trị giá 6.700 USD (~140 triệu đồng) thì bộ dây loa - tín hiệu nên dành cho nó là Oval 9 + Solo Oval Crystal ( khoảng 1.100 USD ~23 triệu đồng) là vừa. 
• Với dàn đỉnh gồm Loa cột Reference 3A Episode + Ampli Modwright MWi-200 + CD đèn Primaluna Classic, tổng kinh phí 13.800 USD (~290 triệu đồng) thì để “rải đều” cho 3 thứ này, bạn nên đầu tư ~20% cho bộ đôi dây loa Solo Crystal Oval 8 + dây tín hiệu Solo Crystal Oval giá 2.570 USD (~54 triệu đồng) hay bộ đôi dây loa-tín hiệu Silver (khoảng 46,5 triệu đồng).

Chúng tôi muốn khẳng định tầm quan trọng của dây nên kỳ này mạnh tay khảo sát 2 bộ dây loa và dây tín hiệu quý của hãng dây Analysis Plus USA. Analysis Plus là công ty công nghệ cao của Mỹ, họ có bản quyền “Thiết kế dây hình xoan rỗng” - Hollow Oval Design; các sợi dẫn được đan thành áo lưới hình Oval, ở giữa rỗng. Với thiết kế Hollow Oval Design hiệu ứng bề mặt của dây dẫn ở tần số từ vài Khz tới gần 1Mhz được giảm xuống và từ trường tổng thể tác động lên các sợi dẫn này tương đương nhau nhờ đó dòng điện tổng sẽ được phân bổ đều, tương đương giữa các dây dẫn. Ngoài ra trở kháng trong dây hình xoan rỗng luôn luôn thấp trong khi trở kháng của thiết kế dây hình tròn đều bị tăng lên đáng kể. Tất cả những điều đó giúp tín hiệu được dẫn truyền nhanh nhất, chính xác nhất dù ở tần số cao và rất cao.

Dây loa Solo Crystal Oval 8

Dây loa Solo Crystal Oval 8 (2.010USD, ~42 triệu đồng)/cặp dài 2,44 mét, dùng sợi dẫn có tiết diện lớn 8 gauge bản dây rộng 2,2cm, dày gần 10mm. Mầu tím vằn đen nhìn đồ sộ và nặng 0,9kg /1sợi. Chất liệu là đồng công nghệ cao, Solo Crystal Cooper, là đồng siêu tinh khiết, được đúc liên tục, không bọt, không tạp chất có dải tần rất rộng và dẫn âm trung thực tuyệt đối (Công ty Oyaide cũng sử dụng loại đồng này).

Dây tín hiệu Solo Crystal Oval-In

Dây tín hiệu Solo Crystal Oval-In dài 1m (560USD, ~11,7 triệu đồng)/cặp dài 1m cũng sử dụng đồng siêu mịn, không tạp chất Solo Crystal Cooper và thiết kế hình xoan rỗng. Đầu RCA có khoá của WBT Đức.

Dây loa Analysis Plus Big Silver Oval

Dây loa Analysis Plus Big Silver Oval (1.350USD, ~28,35 triệu đồng)/cặp dài 2,44 mét. Big Silver Oval có bản dây rộng 17mm dầy 5mm. Chất liệu đồng OFC phủ bạc tinh chất dầy làm nó có chất âm ưu việt hơn loại dây chỉ dùng thuần bạc hay thuần đồng vì tần số cao chạy trên bề mặt, tần số thấp chạy trong lõi dây.

Dây tín hiệu Analysis Plus Silver Oval - new improved

Dây tín hiệu Analysis Plus Silver Oval – new improved (875 USD, ~18,4 triệu đồng)/cặp dài 1m. Vật liệu và thiết kế y như dây loa Big Silver. Theo nhà thiết kế Mark Markel, loại dây Silver tương thích gần như với tất cả mọi loại dây hiện hành.

Lựa chọn thiết bị

Để trải nghiệm Big Silver Oval và Solo Crystal Oval 8 chúng tôi đã gắn chúng với loa Images In Grey dB10.6; Living Audio CE-1ac; Kenwood KL-5080. Dùng ampli Separo SE300I; Rogue Audio Cronus Magnum; đầu quay CD Teac-ZD7000… Nói chung tất cả các cách phối ghép đều nghe ổn. Tuy nhiên, để dễ cảm nhận và trình bày, chúng tôi chọn ampli đèn PrimaLuna DiaLogue Two và đầu quay CD Denon DCD-3300 đánh loa kiểm thính JBL Control Monitor 4312A.

Các sợi dây loa sẽ được đối chiếu với nhau (Big Silver với Solo Crystal Oval 8) và dây tín hiệu cũng đối chiếu với nhau (Solo Crystal Oval với Silver Oval). Test dây tín hiệu rất thuận tiện: bắt 2 loại dây tín hiệu vào 1 đầu quay CD Denon DCD-3300; dẫn Solo Crystal Oval vào ngõ CD, cặp Silver Oval đi vào ngõ Tuner của ampli. Test dây loa “mệt” hơn. Mỗi khi đổi dây loa, phải tắt ampli đề phòng sốc hỏng thiết bị. Ngoài ra với ampli đèn, phải chờ đợi một lượng thời gian tối thiểu 15 - 20 phút để hâm nóng lại dàn đèn.

Dây 'khủng' góp phần làm nên dàn 'khủng'

Trải nghiệm dây tín hiệu Solo Crystal Oval và Silver Oval: chuyển đổi ngõ vào trên ampli giúp cho việc so sánh chất lượng âm của 2 dây tín hiệu rất dễ dàng. Nói chung, cả 2 dây Oval Silvervà Solo Crystal Oval đều tốt. Ở dây Solo Crystal Oval độ tĩnh của nền âm rất êm sâu, các âm nén chặt, bề mặt từng âm được bơm căng nhưng gồ ghề hơn, bass xuống sâu và âm trường rộng mở. Solo Crystal Oval phù hợp các dàn thiên sáng, ampli đèn, ampli bán dẫn class A, loa kèn… Còn dây Silver Oval thì cho thứ âm nhạc sang trọng đều 3 giải; chi tiết, bóc tách rõ hơn dây Solo Crystal Oval, bề mặt âm nhẵn hơn. Dây Silver Oval dễ ghép với các thiết bị vì chất liệu là đồng tinh phủ bạc cho chất âm vừa có độ trong rõ đặc trưng của bạc pha trộn chất ấm áp của đồng.

Sau đó, chúng tôi chuyển sang trải nghiệm 2 bộ dây loa quý Solo Crystal Oval 8 và Big Silver Oval. Mới thấy, mặc dù một dàn dây khủng không làm nên một bộ dàn khủng nhưng thiếu chúng, một bộ dàn đáng lẽ là khủng có thể sẽ bị hạ cấp… Cũng bản Rondeau from Abdelazer của Purceli nhưng khác bộ dây bình thường, giờ đây, với bộ dây loa Big Silver Oval, âm nhạc lộng lẫy hơn hẳn, dày hơn, đặc hơn, từng tiếng đàn trở nên căng mọng và sáng sủa hơn rất nhiều so với giải pháp sử dụng dây Analysis Plus Oval 12/2 trước đó. Trầm xuống sâu hơn; trung đầy đủ hơn, chi tiết hơn; cao dày và mịn hơn… Mới thấy, dùng dây khủng, bộ dàn trở nên khủng hơn như thế nào. Các bản tiếp theo của CD CALIX cũng là dịp cho “dây quý” thi thố tài năng biểu diễn với các âm sắc, âm lượng rất đa dạng của âm nhạc cổ điển…

Ưu điểm: *Dây loa Big Silver Oval và dây tín hiệu Silver Oval dễ phối ghép - Xử lý miễn chê ở tầm giá.

*Dây loa Solo Oval 8 và tín hiệu Crystal Solo Oval rất êm ngọt analogue nhưng cần phối ghép kỹ.

Nhược điểm: Giá! Người chơi phải tiết kiệm chờ thời và phải đủ can đảm, đam mê để đầu tư.

Đặt tiếp CD TAS 2009 (The Absolute Sound 2009), đĩa kiểm tra bộ dàn rất lợi hại. Có thể nói là mãn nguyện ngay từ bài đầu Hjartespel – tiếng kèn dày mọng, da diết; tiếng bass bập bùng, gọn chắc; tiếng trống thủng thỉnh… Nhạc chuyển điệu thức rất khéo: người nghe vừa cảm thấy đột ngột vì sang điệu thức mới, vừa cảm thấy tự nhiên vì sự choán chỗ bởi điệu thức mới đó hoàn toàn hợp lý! Trong bài Summertime ngay sau đó, tiếng bass xuống rất sâu và “vang to quá khổ” khiến chúng tôi sực nhớ là đang nghe Big Silver Oval! Toàn bộ nền âm đã được nâng lên vài bậc, phải nhấp giảm volume vài lần để có mức âm thanh “vừa đủ nghe” như khi nghe với dây loa Oval 12/2. Toàn cảnh đâu vào đấy, không bỏ sót chi tiết ẩn khuất nào. Treble của giải pháp Silver rất đẹp, lung linh, tơi mịn… TAS 2009 bao gồm các bản thu của các hãng nổi tiếng, chứa đựng nhiều thể loại và bộ dàn chạy dây Big Silver Oval đã chơi tốt đĩa này, không để lại một phàn nàn, tiếc nuối nào.

Chúng tôi chuyển sang nghe với Solo Crystal Oval 8, cặp dây loa có giá ~42 triệu đồng: ở tầm giá này, chúng tôi từng trải nghiệm với dây loa Synergistic Research Audio Reference (giá 52,5 triệu đồng) và vẫn còn ấn tượng mạnh về một chất âm hoàn toàn no đủ mà nó phục vụ. Sau khi đấu dây Solo Crystal Oval 8, bật ampli, chờ đèn nóng đủ, chúng tôi chơi lại bản Hjartespel ở TAS 2009. Một thứ nhạc no đủ nhưng đầy quyến rũ xuất hiện. Đặc biệt nhất là âm bass ở bản tiếp theo Summertime. Nếu như ở dây Big Silver Oval, chúng tôi đã phải hạ volume để bass không làm rung chuyển một số món đồ trong phòng thì sang dây Solo Crystal Oval 8, tiếng bass còn có vẻ sâu và uy lực hơn nhưng chúng tôi lại không phải hạ volume ampli vì nó xử lý quá khéo, cho ra thứ nhạc để nghe chứ không làm rung các món đồ ngoài ý muốn! Từng tiếng đàn tuy không được căng mọng tuyệt đối như với trường hợp Synergistic Research Audio Reference, bề mặt của các tiếng đàn cũng chưa được láng mịn như thế nhưng đã ở mức không còn gì phải phàn nàn: Từng âm một hiện rõ hình thù, có “một chút gai” tăng “bám tai” ở bề mặt mỗi âm.

Sau đó chúng tôi còn thử cặp loa Bookself Denon SC-F10 80W, 6Ohm với dây Solo Crystal Oval 8 - một cặp loa giá vài trăm USD lúc xuất xưởng sử dụng cặp dây mấy nghìn USD, chơi bằng ampli đèn mấy nghìn USD…! Thế nhưng, sự lệch đũa đến kệch cỡm này lại không có gì phải lên án cả: Bộ loa đã kêu hay như loa lớn, nhuyễn như nhiều cặp loa hi-end nhỏ mà chúng tôi đã trải nghiệm! Đó là sự thật chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến khi nghe nó bằng “dây cắt mét Sài Gòn tự chế” cả. Cuối cùng, chúng tôi chơi bộ AR TSW 610. Đây là cặp loa 4Ohms nên thông thường cần thêm một chút volume của ampli. Nay với dây quý, AR TSW 610 đã thể hiện tài năng một cách thật khác thường. Chúng tôi nghe và quên đi những vất vả gặp phải khi trải nghiệm các bộ dây quý.

Tham gia khảo sát:

Phần cứng: dây loa Analysis Solo Crystal Oval 8, Big Silver Oval, Oval 12/2; dây tín hiệu Silver Oval và Crystal Solo Oval; Ampli đèn tích hợp PrimaLuna DiaLogue Two (phương án chọn); Separo SE300I; Rogue Audio Cronus Magnum; Đầu quay CD Teac-ZD7000, Denon DCD-3300 (phương án chọn); lọc điện APV, APC; biến áp cách ly ACME.

Phần mềm: CD: TAS 2009; CALIX Audiophile Recordings; Mess h-moll by Johann Sebastian Bach (CD Box Bach Edition – Complete Works); John Williams – Giuliani Guitar Concerto & Schubert “Arpeggione” Sonata; Tchaikovsky & Mendelssohn Violin Concerto – Perlman Ormandy – Previn (The Perlman Edition – EMI Classics); Martha Argerich – Shostakovich Piano Concerto No1 – Haydn Piano Concerto No11.

Cung cấp thiết bị: Audio Choice

1[11]121314