TÁC PHẨM CỦA NHỮNG NGƯỜI TỬ TẾ

Trong những năm gần đây, Totem Acoustic dần trở nên quen thuộc với người chơi âm thanh Việt Nam.
Nhắc đến Totem, người nghe thường liên tưởng đến những phẩm chất thiên về nhạc tính như mềm mại, ngọt ngào, đều đặn. Đó cũng là những yếu tố mà Totem muốn mang đến các audiophile sành nhạc và có gu. Một trong những người chơi như vậy mà tôi tình cờ quen tại triển lãm âm thanh là anh A. Anh chủ động mời tôi đến nhà cùng thưởng thức cặp Wind (đôi loa đầu bảng của Totem).

http://www.amthanhvang.com/files/product/140/content/130/2010-03-01_085049.jpg

HÌNH THỨC CHAU CHUỐT

Bước vào phòng nghe nhạc của anh A, tôi hơi ngỡ ngàng, xen chút thất vọng về voc dáng của cặp Wind không “hoành tráng” như mong đợi. Ít nhất là với cặp loa hàng đầu của hãng hi-end có tiếng. Không bề thế, chẳng to ngang mà cũng không để lại ấn tượng về chiều sâu. Wind có kích thước của cặp loa cột cỡ trung bình, không lớn hơn cặp B&W Series 8, thậm chí còn nhỏ hơn cặp loa tầm trung Ceremona M của Sonus Faber. Từng chứng kiến những cặp loa ấn tượng từ hình thức đến thiết kế, nhưng vẫn “rớt đài” qua các lần test của NgheNhìn Việt Nam do tất cả đều không vượt qua ngưỡng “lọt tai”. Vì thế, sự hoài nghi không... nho nhỏ bắt đầu len lỏi trong suy nghĩ của tôi.

Trong khi đợi gia chủ hâm nóng ampli, tôi có khoảng nửa giờ để khám phá vẻ đẹp của Wind. Nếu nhìn thoáng, Wind có dáng vẻ của cặp loa được xây dựng theo dạng module với hộp cộng hưởng bass có thể tích lớn nhất nằm dưới. Bắt đầu từ phần dành cho driver mid và treble, thùng loa được vuốt thon dần lên phía trên. Thùng loa được thiết kế giật cấp, chém cạnh khá mạnh tay ở đoạn chuyển tiếp giữa phần bass và các driver còn lại. Thiết kế này khiến tôi liên tưởng đến những khối loa dạng robot của Wilson đậm chất công nghiệp chứ không chỉ thoáng qua như ở Totem Wind.

Sau khi tham vấn các ý kiến trên website của Totem, tôi hiểu rằng: ngoại hình có vẻ hơi kỳ dị của Wind không hề ngẫu nhiên. Tất cả góc chém, cạnh vát được tính toán trên phần mềm được thửa riêng nhằm tạo ra vỏ thùng có thể triệt tiêu tối đa cộng hưởng sóng đứng phát ra từ các driver. Việc giật cấp từ module bass lên module mid/treble nhằm hạn chế hiện tượng gia thoa sóng âm giữa các giải tần gây nhiễu âm giữa các dải. Thiết kế của Wind hướng đến mục tiêu đáp ứng khả năng trình diễn với độ động cao, âm thanh vững vàng, cân bằng, phù hợp với nhiều thể loại âm nhạc đòi hỏi tốc độ, cao độ, trường độ và cường độ khác nhau.

Cặp loa này có vỏ thùng làm bằng gỗ cherry cao cấp với bộ vân tuyệt đẹp. Để sở hữu đôi loa có màu gỗ tự nhiên này, người chơi phải bỏ thêm 1.000USD so với những tiếp với pre-amp DiaLogue Three cao cấp nhất của PrimaLuna. Hệ thống sử dụng đầu phát CD dòng vintage huyền thoại có tên Luxman D7.

Sau khi thả đĩa nhạc Mahler, bản Symphony số 5 vào khay đĩa và nhấn nút play, chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Trong nháy mắt, căn phòng 35 m2đã lấp đầy âm nhạc cổ điển cuối thời kỳ lãng mạn được Gustav Mahler – một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ XX – viết ra. Một trong những đặc tính cần có ở cặp loa tốt là khả năng tan biến của cặp loa trong phòng nghe. Wind dễ dàng hiện thực hóa điều này. Hiện diện trong phòng nghe chỉ còn âm nhạc dăng mắc tầng tầng, lớp lớp theo đúng các lớp âm xuất hiện trong khán phòng cổ điển: bên trái là bè violin1, giữa là bè viola, bên phải là bè violin2, bè contrabass, lớp thứ hai là bè cello, lớp thứ ba là bộ gỗ rồi đến bộ đồng và dàn trống phía trên cùng. Chúng tôi có thể dễ dàng cảm nhận sự phân tách lớp lang rõ ràng và chẳng mấy khó khăn nhờ vào đặc điểm âm hình sâu và rộng của Totem Wind. Hiếm có cặp loa nào cho chiều sâu âm thanh ấn tượng đến như vậy! Nó thỏa mãn hoàn toàn sở thích thưởng thức dàn nhạc lớn của audiophile nghiện nhạc cổ điển với những đòi hỏi khắt khe về âm hình. Không chỉ có vậy, sân khấu âm nhạc được Wind dựng lên caovà rộng, như thể không còn khuôn lại trong kích thước của phòng nghe.

Độ động của Wind dường như không có đối thủ trong tầm giá. Chúng tôi từng được nghe những cặp loa có giá hàng chục nghìn Mỹ Kim của Focal, Advantgarde hay B&O, cũng thể hiện những chương hồi giao hưởng tương tự lần này, nhưng không mang lại cảm giác chân thực và tự nhiên như Wind. Wind hoàn toàn làm chủ về nhịp điệu, tốc độ của bản nhạc, dù là âm thanh nhẹ nhàng, chậm rãi đòi hỏi sự tinh tế như tiếng sáo piccolo mảnh mai, run rẩy theo từng nhịp thở của người nghệ sĩ, hay những đoạn fortissimo cao trào và dữ dội với cảm xúc bùng nổ của hàng trăm nhạc công cổ điển... Tất cả giai điệu ấy, dù khoan thai hay dồn dập, du dương hay gào thét đều được Wind thể hiện với phong thái bình thản và tự nhiên. Điều này khiến Wind trở thành cặp loa đa tài với khả năng thể hiện tốt nhiều thể loại âm nhạc khác nhau: từ classic jazz, chamber music, country đến dance, hiphop, rock hay, thậm chí cả dòng death vốn rất khó nghe.

Sử dụng những driver loại tốt và bộ phân tần 3 đường tiếng cao cấp, các dải âm của Wind cân bằng,chính xác, các dải không lấn lướt hay lép vế nhau. Với những cặp loa tầm trung, nhà sản xuất thường tập trung đẩy dải âm nào đó lên để tôn thêm cá tính cho cặp loa. Khi là trung trầm, khi là âm trầm, khi là âm trung hoặc trung cao. Tất cả cặp loa loại đó chỉ tạo được ấn tượng nhất định cho người mới nghe trong thời gian ngắn. Sau đó, chính sự thiếu cân bằng ấy sẽ giết chết cảm xúc của người nghe bởi âm nhạc qua các thiết bị như vậy bị biến dạng và “chế” lại theo đặc tính của loa. Với Wind, người nghe sẽ không thật ấn tượng về dải âm cụ thể. Cái mà người nghe cảm thụ là âm thanh của nhạc cụ, của giọng hát. Những khái niệm về âm thanh được thay thế bởi các khái niệm về âm nhạc. Khi đó, người nghe chỉ quan tâm đến kỹ thuật của tay đánh contrabass, âm thanh của cây piano Grand Steinway&Son hay lối hát bỡn cợt, nhả nhớt của ca sĩ...

Hơn thế, dù ở mức giá nào, các sản phẩm của Totem đều là những đôi loa có nhạc tính cao. Nói cách khác, Wind đầy chất thơ. Âm nhạc thường đi liền với thi ca. Tác phẩm âm nhạc lớn thường gắn với tác phẩm thi ca lớn. Triết lý âm thanh của Totem cũng vậy: giàu chất thơ, lãng mạn và nồng nàn. Nó khiến âm thanh của Wind luôn dạt dào cảm xúc, dễ lay động trái tim của người nghe. Nói như anh bạn cùng tham gia cuộc nghe thử với chúng tôi: Totem Wind như “vật thể sống, có tâm hồn”. Cũng có thể vì yêu thích âm thanh của dòng loa này mà anh bạn tôi hơi quá lời chăng? Nhưng không thể phủ nhận: âm thanh của Totem khiến người nghe dễ chịu, muốn nghe và thêm động lực với tình yêu âm nhạc. Wind khiến người nghe muốn chi thêm tiền để mua thật nhiều đĩa nhạc chứ không phải tiếp tục bỏ tiền vào hệ thống phần cứng.

Toàn bộ hệ thống gồm loa và đồ đánh cặp có giá khoảng 20 nghìn USD. Tuy là khoản đầu tư không nhỏ, nhưng sự thăng hoa về cảm xúc mà Wind mang lại cho người nghe thông qua âm nhạc là vô giá. Chúng tôi đánh giá cao cặp loa này, đánh giá cao sự nghiêm túc của những kỹ sư đến từ Totem với triết lý sản xuất “không thỏa hiệp”. Nói cách khác, Totem Wind xứng đáng là cặp loa “lớn”, dành cho những đôi tai sành sỏi.

Giá tham khảo: 12.000USD (không tính đồ đánh kèm)

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Thời gian chạy rà

200-250 giờ

Cách tường sau

0,9-2,1m

Đặt cách nhau

1,8-4,2m

Dải tần

24Hz-21kHz

Độ nhạy

87dB

Trở kháng

4ohm

Công suất ampli

80-250W

Kích thước (rộng×cao×sâu)

27,3×112,5×35,5cm

Ưu điểm

  • Dễ ghép ampli

  • Âm thanh tự nhiên, giàu nhạc tính

  • Thể hiện tốt nhiều loại nhạc

  • Không phụ thuộc phòng nghe

  • Thiết kế, linh kiện cao cấp

Nhược điểm

  • Nên bố trí cọc loa dạng tri-wired để đánh tri-amp sẽ cho âm thanh hay hơn

Theo Nghe Nhìn

111[12]1314