Người hùng Totem The One và các dũng sĩ PrimaLuna

Dàn máy “Anh hùng tí hon” gồm ampli PrimaLuna ProLogue Two, đầu CD Primaluna Prologue Eight (có kích thước chỉ bằng phân nửa so với các loại máy thông thường) và đôi loa mini monitor Totem The One (rất nhỏ) lại có khả năng đánh gục các bộ dàn hoành tráng.

Như Dũng



CẤU HÌNH

Loa Totem Acoustic The One

Vince Bruzzese thành lập Totem Acoustic năm 1987 tại Montréal, Canada. Ông là nhà thiết kế không theo truyền thống. Với ông, kích thước to hay nhỏ, nặng hay nhẹ… không là các vấn đề quan trọng mà sự cộng hưởng của củ loa với thùng và sự ăn ý tuyệt đối giữa các thành phần cấu tạo mới tạo nên đôi loa nhiều nhạc tính. The One Limited Edition là bộ loa kỷ niệm 20 năm phát triển của Totem, nên Vince lấy tên là The One (Độc nhất vô nhị), chỉ sản xuất 200 đôi. Nó được thiết kế với kiến thức sâu sắc cuả Vince Bruzzese, giá tham khảo 3.595 USD (~75 triệu đồng). Vince Bruzzese tin rằng không một đôi loa nào ở kích thước và tầm giá cuả Totem The One có thể chạm đến nó trong mọi cung bậc âm nhạc. Đây quả là một sự tự tin, nhưng kết quả thực nghiệm cho thấy là Vince nói đúng.
 

Totem The One có khả năng thể hiện tuyệt vời mọi khía cạnh: tinh tế, năng động, âm sắc tuyệt hảo và không bị quá tải. Dải trầm (Bass) chính xác, linh động, truyền cảm cả về vật chất (tác động toàn thân kiểu “nhạc rung ghế bành”) lẫn tinh thần (cho hình dung rõ về chiều sâu không gian âm nhạc). Dải trung (Midrange) đầy đủ, rõ ràng, với âm hình ổn định, rõ nét, chi tiết thậm chí theo những dao động lớn nhất. Dải cao (Treble) mịn màng, tươi sáng, tơi tan, lan toả khiến cho không gian âm nhạc càng thoải mái, tự nhiên, không gò bó, giới hạn.


Đặc điểm kỹ thuật:

Kỹ thuật giảm chấn, thấm âm bằng cát thuỷ tính silicon boron và bên trong thùng dùng mộng gỗ

Bộ phân tần hết sức tinh tế, vật liệu quý giá

Vỏ gỗ quý và cọc cầu loa bi-wire đắt giá nhất cuả WBT mạ Rhodium          

Tần số đáp ứng: <50Hz – 20kHz ± 3dB

Tổng trở: 4Ohm

Độ nhạy: 87dB/W ở 8Ohm

Ampli: 15 – 120W

Phân tần cắt ở: 2.7kHz

Củ Bass đường kính 14cm, cuộn dây 7,6cm

Treble 2,5cm loa vòm nằm trong buồng đôi 

Kích thước: Cao 31,3 x Rộng 16,7 x Sâu 22,7cm

Dung tích: 7,2lít

Nặng: 4,1 kg.

Ampli PrimaLuna ProLogue Two

PrimaLuna là một công ty Hà lan chuyên sản xuất thiết bị đèn. Sản phẩm PrimaLuna gây sốc vì có kỹ thuật cao và giá rất tốt, nhất là do Marcel Croese thiết kế. Ông là một tượng đài âm thanh ở châu Âu và là cựu kỹ sư trưởng cuả Goldmund Thuỵ Sỹ. ProLogue Two thiết kế đơn giản, mặt trước có 2 núm bằng nhôm phay, một chọn ngõ vào và một chỉnh âm lượng, không có remote. Phiá sau là bộ cọc bắt loa chất lượng cao kiểu WBT và 4 cặp giắc RCA. Bóng đèn có in logo của hãng, bố trí đối xứng trên bề mặt máy. Máy sử dụng 2 bóng 12AX7 và 2 bóng 12AU7 cho tầng đầu và 4 bóng KT88 cho tầng khuếch đại. Máy còn được trang bị tụ điện chất lượng cao của Nichicon Nhật và Solen Pháp, một số thiết bị ngắt mạch và diode siêu nhanh của Philips. Đặc biệt nhất trong máy là mạch bản quyền sáng chế cuả Primaluna Auto Adaptive Bias (AAB) liên tục tinh chỉnh phân cực đèn, giảm độ méo tiếng khi đèn bị sai phân cực. Đây là tiện nghi “5 sao” kể cả những ampli đèn giá 5.000 – 6.000 USD cũng không cung cấp cho người dùng. AAB còn cho phép chơi 5 loại bóng công suất khác nhau như KT 88, KT90, 6550, EL34, 5881 để thay đổi mầu sắc.

Đặc điểm kỹ thuật:

Công suất RMS : 40W x 2
Tần số đáp ứng: 20Hz-30kHz +/- .5dB
Độ méo tổng quát: Dưới 1% khi chạy tổng lực
Tỷ số rõ nét trên độ ồn S/N Ratio: 89dB
Độ nhạy ngõ vào: 300mV
Ngõ vào: 4 đôi giắc RCA
Ngõ ra loa: 4 hay 8 Ohm cọc riêng
Đèn sử dụng: (2) 12AX7, (2) 12AU7, (4) KT88                                     
Tiêu thụ điện: 300W
Kích thước: 19,5 x rộng 28 x sâu 39 cm
Nặng: 17kg.

CD Player Prima Luna Prologue Eight

Năm 2008, máy chơi CD PrimaLuna ProLogue Eight sử dụng 7 đèn điện tử đã làm chấn động thế giới hi-end. Nó không giống một máy chơi CD truyền thống mà giống ampli đèn Prologue Two với Remote thép. Máy sử dụng bộ cơ đọc tín hiệu không kén đĩa của Sony, mạch giải mã 24 bit/192 Hz Burr Brown PCM1792 và upsampling Burr Brown SRC4192, có mạch đếm dao động digital “Super Tube Clock” bản quyền cuả PrimaLuna, đột phá nhờ đèn điện tử 3 cực Triode với độ nhiễu âm cực kỳ thấp (99% các máy chơi CD hiện hành dùng mạch đếm dao động bán dẫn) với thiết kế mono đối xứng của Pre Ampli PrimaLuna ProLogue 3. Máy đã nhận hàng chục giải thưởng từ các tạp chí uy tín.

Đặc điểm kỹ thuật:

Điện thế xuất âm: 2v +/- 0.5dB
Tần số đáp ứng: 20Hz - 20kHz +/- .5dB
Tỷ số rõ nét trên mỗi kênh: 90dB
Độ động: > 120dB
Ngõ ra: 1 đôi giắc RCA
Ngõ ra digital: 1 Coax và 1 Optic
Đèn sử dụng: 12AX7 (2), 12AU7 (2), 5R4 (2) +1 bên trong Super Tube Clock
Tiêu thụ điện: 50W
Kích thước: 19,5 x rộng 28 x sâu 39 cm
Nặng: 12kg.

TRẢI NGHIỆM

Bộ dàn này cho một thứ âm thanh giống analogue qua những bản ghi đĩa nhựa (LP) với không gian rộng mở, du dương, lan toả, lung linh… Để ampli tự khởi động không tải xong (ampli đèn cần bật khoảng 30 phút trước khi chơi để tự làm nóng), ngay phút nghe chăm chú đầu tiên, một cảm giác mâu thuẫn rất rõ nét xuất hiện: Đã có một thứ âm nhạc rất tự nhiên (như ở ngay trước mặt và không liên quan gì đến bộ dàn) nhưng lại cũng vô cùng thánh thiện (người nghe sẽ tự hiểu được rằng hiếm khi nào có thể nghe thấy những âm thanh đó quanh mình cũng như thật khó để tạo được những âm thanh đó).

 

Không một lỗi âm, dù nhỏ 

Để dễ trình bày cũng như theo dõi, tôi xin vận dụng 4 thuộc tính cơ bản của âm nhạc để mô tả bộ dàn. Đó là cao độ [tần số rung của nốt nhạc]; trường độ [độ dài của từng nốt nhạc, thay đổi tuỳ tiết tấu, độ dài tương đối trong bản nhạc (nốt trắng, nốt đen…)]; cường độ [độ mạnh, nhẹ (to, nhỏ) của nốt nhạc] và âm sắc [thứ dùng để phân biệt các nhạc cụ, giọng người].


Về cao độ,
bộ dàn này cho thứ âm thanh chính xác. Vì khoảng chênh 1kHz trên nốt La ở quãng tám 1 có dao động 440Hz (độ méo ~0,2%) đã có thể khiến người test “bất bình” nên độ méo tần số thực test của bộ dàn này nếu có ở mốc volume 9 giờ cũng phải dưới 0,1%. Nốt nhạc trầm nhất nghe thấy rõ là nốt La quãng tám siêu trầm 27,5 Hz (nốt La phách mạnh giữa nhịp cận cuối bản Chacone re-minor của Bach, Busoni chuyển soạn, Pletnev độc tấu tại Carnegie Hall năm 2000, thu thanh trực tiếp); đã kiểm định bằng piano ngay sau khi nghe; trên piano đó là nốt đầu tiên bên trái. Còn nốt cao nhất thì không định được nhưng chắc chắn The One phát trên nhiều so với ngưỡng nghe tự nhiên 12 KHz.

 

Về trường độ, mọi thứ liên quan nhịp độ, tiết tấu, độ động cũng như khả năng ngân lâu đều không có gì phải phàn nàn, ngay cả khi bộ dàn chơi những bản nhạc tiết tấu, âm hình phức tạp hoặc các bản nhạc với hàng trăm nhạc cụ, giọng ca như Giao hưởng số 9 của Beethoven.

 

Về cường độ, điểm nhấn ở đôi loa, nó rất nhỏ so với loa Hi-End thông thường nhưng ở mức volume 9h của ampli, nó đã có thể “gầm”. Đặc biệt, bộ dàn trải rộng “giao diện cường độ” cho cả dàn nhạc, nhất là bộ gõ khởi động to dần đều từ pianissimo (cực nhỏ) đến fortissimo (cực to) trong thời gian hàng chục phút (Giao hưởng số 7 của Shostakovich, bắt bộ dàn diễn lại bản này quả là… ác ý).

 

Về âm sắc, đây là bộ dàn biểu diễn nhạc CD xuất sắc về âm sắc và khó có những bộ dàn dùng CD có thể hay hơn hoặc tương đương. Khi nghe Kazuhito Yamashita độc tấu guitar các lute suites của Bach trên một số bộ dàn trước đây, người nghe có ác cảm rằng nghệ sĩ chơi quá cứng nhắc nhưng trên bộ dàn đang test, câu chuyện hoàn toàn khác. Mọi thứ đều tuyệt hảo, cảm giác cương cứng của từng tiếng đàn được hoá giải một cách uyển chuyển bởi khả năng tan ngân gần như vô tận với từng tiếng đàn một. Người chơi guitar cổ điển “giàu có” thường có nhiều cơ hội để sống với những tiếng ngân nga “tiên sa” nhờ bộ dây nylon mới. Ở trường hợp này, những hài âm phát sinh lan toả kèm các âm chính là của bộ dây mới trên cây đàn của Yamashita lộ rõ càng khiến bộ dàn anh hùng tí hon thị uy giá trị.

 

Với những bản nhạc độc tấu piano điêu luyện, có những lúc người test cảm nhận hình ảnh lung linh của những chùm bi ve pha lê (thậm chí là những viên kim cương) lăn lốc cốc về các hướng trên mặt đá hoa cương bóng loáng trải rộng ngược ánh sáng trời, một thứ hình ảnh rất cầu kỳ, hoa mỹ. Tôi bèn nhớ lần nghe ở nhà một người bạn bản Nocturne No1 của Chopin từ đĩa nhựa với bộ dàn gồm loa Tannoy Kingdom 12, ampli tích hợp McIntosh 2275 với cảm giác những làn hơi nước dịu lạnh phả lên từ lung linh mặt hồ đêm… Bèn lục tìm bộ CD Nocturne của Chopin do Maria Joao Pires chơi: Nocturne No1 B-flat minor (Si giáng thứ) – và chính nó hiện ra và nó đã kêu cũng đúng như vậy!

 

Cảm giác của người nghệ sĩ được chơi trên một cây đàn piano mới lên lại dây rất ý nghĩa; cảm giác của họ trên cây đàn được nâng cấp dây mới còn ý nghĩa hơn. Thế mà, trong số các chương trình được nghe với bộ dàn này, tôi còn thấy cả những cây đàn mới 100%, điều tôi đã không để ý bấy lâu… Với các nhạc cụ giao hưởng, bộ dàn còn rền vang, réo rắt với dàn dây từ contrabass đến violin hay dàn gỗ từ fagot đến flute piccolo. Những kỹ xảo, luyến láy… của từng loại nhạc cụ đều được thể hiện đầy đủ, rõ nét. Tiếng búng dây buông trên viloin, tiếng pisicato trên các loại kèn… đều rõ như ngay tai.

 

Liên quan đến nhạc cụ giao hưởng, thứ có thể sẽ gây khó cho The One Limited Edition là bộ đồng, bộ gõ, nhất là trống bass… do loa thì quá nhỏ mà công suất và âm sắc của các nhóm nhạc cụ kia thì lại khủng. Nhưng, dù “đề thi” khó đến đâu (Giao hưởng số 7 của Shostakovich, Giao hưởng số 6 của Mahler), bộ dàn cũng đều vượt qua… Trong Giao hưởng số 6 của Mahler, tác giả đã nghĩ ra một loại nhạc cụ riêng để tham gia thể hiện: Đó là chiếc vồ gỗ khối hộp chữ nhật (chiếc búa gỗ phóng đại) nặng hàng chục ký và tấm gỗ hình vuông dày chắc kê ngay giữa sân khấu. Vồ gỗ sẽ được bổ thẳng cánh xuống tấm gỗ để mô tả đỉnh cao chót vót về âm lượng (fortissimo) ở cuối một cao trào.

 

Và khi các giọng ca cất lên, giá trị của bộ dàn đã được khẳng định: chắc chắn không ai trong các ca sĩ nghe lại mình qua bộ dàn này mà không hài lòng. Các nghệ sĩ độc tấu hay nhạc công ngồi trong dàn nhạc cũng vậy, chắc họ sẽ rất vui khi được “gặp lại mình” qua bộ dàn “anh hùng tí hon”.

 

Thưởng thức thay cho học bài

 Thông thường, audiophile nghe nhạc là để giải trí nhưng số melomane - nghe nhạc như một động cơ sống, để nghiên cứu, học hỏi - cũng không ít. Họ thường có rất nhiều sưu tập độc mà không phải bộ dàn nào cũng chuyển tải nổi. Tuy nhiên, tôi tin chắc, từ mốc bộ dàn đang test này trở lên, melomane sẽ hết ưu tư về thiết bị mà chỉ còn lưu ý đến “phần mềm”.

 
Những loại nhạc đơn giản về nhạc cụ và giọng ca như jazz, country, pop, rock hay cả rock ballad, rock metal… đều không gây một trở ngại nào cho bộ dàn này. Hình như nó sinh ra để giải quyết đại cục nhưng cũng không hề bỏ lỡ các tiểu tiết, cho dù tinh vi. Nên thi thoảng, trong lúc “phiêu” cùng bộ dàn, tôi giật mình: Đâu ra nhạc cụ hay vậy? Lật tư liệu đĩa để xem dàn nhạc cụ kia của dàn nhạc nào… Berliner Philharmoniker, Wiener Philharmoniker, London Symphony Orchestra, The Philadelphia Orchestra, Chicago Symphony Orchestra… là những dàn giao hưởng tôi hay nghe nhưng phải đến bộ dàn này, tôi mới thấy rõ bộ gõ của dàn Chicago là tuyệt vời nhất...

 Người nghe khắt khe thường hay bắt bẻ xem ai là người chơi Rachmaninov 2 (Piano Concerto No2 của Rachmaninov – chỉ là ví dụ) hay nhất… Thật khó trả lời nếu không có điều kiện cần tối thiểu là bộ dàn tử tế. Trong đợt test này, tôi đã nghe 2 tượng đài piano thế giới là Sviatoslav Richter và Arthur Rubinstein cùng thể hiện Rachmaninov 2 và Tchaikovsky 1. Đồng thời cũng nghe Giao hưởng số 9 của Beethoven dưới quyền chỉ huy của 2 tượng đài chỉ huy là Sir George Solti và Herbert von Karajan. Đó là những bữa tiệc âm nhạc thực sự: Cùng một bản nhạc nhưng người chơi khác nhau có thể cho ta những cung bậc cảm nhận “giống về tầm cỡ, khác về tính cách” như thế nào… Để có thể nói chi tiết về những màn nghe này, cần có những chuyên đề riêng.

 Với bộ dàn “anh hùng tí hon” này, mọi thứ trở nên tươi mới và những bộ sưu tập, biên niên “thiếu sức sống” kia bỗng bừng tỉnh thức vì “nghe là thấy ngay”. Tôi cảm thấy hạnh phúc gấp bội vì dàn máy này biến công việc cuả tôi thành sự tưởng thưởng, hưởng thụ đích thực.

 

TRANG THIẾT BỊ THAM GIA KHẢO SÁT

Phần cứng:

 CD Player đèn PrimaLuna Prologue 8

Ampli tích hợp đèn PrimaLuna ProLogue 2

Loa Totem Acoustic The One Limited Edition

Dây nguồn Synergistic Research Galileo Basik; Dây tín hiệu và dây loa Galileo Basik Strings

Lọc điện e-TP60 của Furutech.

Chân từ lực SSW chống nhiễu âm cuả Korea.

Liên hệ: Audio Choice 198A, Đường 3 tháng 2 Q.10, TP.HCM; www.amthanhvang.com.