Pre Calypso và Monoblock M180

Monoblock đèn M180 công suất 180Wpc/cục của Rogue Audio trị tốt loa công suất lớn, cứng đầu. Với preamp đèn Aesthetix Calypso, M180 im lìm, tĩnh lặng và bùng lên khi có nhạc.

Rogue Audio Monoblock M180

Không có gì sai khi nhiều hãng nổi tiếng đã và đang gia công làm hàng hi-end ở Trung Quốc để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhưng chế tạo tại Mỹ 100% mà có giá cả rất phù hợp như ampli Rogue Audio thì đúng là một cống hiến có ý nghĩa của nhà sản xuất cho người tiêu dùng. Rogue Audio nâng cấp các monoblock M150 vốn đã thành công vang dội thành model M 180.Mỗi Rogue Audio Monoblock M180 dùng 4 bóng công suất KT90 theo máy (có thể sử dụng được 3 loại đèn KT88/KT-90/KT-120). Nó có chế độ ultralinear mạnh mẽ, đạt tới 180Wpc và chế độ triode 90W đầy rung động.


Về tính năng, M180 có công tắc chuyển đổi chế độ chơi triode/ultralinear nằm ở mặt sau của monoblock M180 khiến cho giải pháp chọn nghe 2 chế độ thú vị gấp đôi. Đầu vào XLR (balance) và RCA, đầu ra cho loa 4 ohm và 8 ohm riêng biệt cọc đấu dây loa bắp chuối mạ vàng dày (theo trải nghiệm của chúng tôi và nhiều chuyên gia, nếu có loa 6 ohm, tốt nhất là sử dụng ngõ ra 4 ohm). Ngoài ra người dùng có tiện ích điều chỉnh bias bằng thủ công vì Rogue Audio đã tích hợp sẵn theo máy 1 đồng hồ và 4 công tắc, dễ sử dụng.

Về thiết kế, M180 có biến áp nặng, băng thông rộng, cung cấp năng lượng cao và ổn định; sử dụng linh kiện quý, hàn điểm nối điểm; dùng bo mạch chính bằng đồng nặng 56,7 gr. Mặt máy và núm nút gia công bằng nhôm đẹp chắc chắn mang dấu ấn hi-end riêng độc đáo của Rogue Audio, có đèn LED màu xanh biếc báo nguồn được bật. Phía sau, nơi không bao bọc bởi khung nhôm là vị trí cắm các bóng công suất và điều khiển. Mỗi Monoblock M180 có 7 bóng chân không, trong đó 4 bóng KT90, 2 bóng 12AU7, 1 bóng 12AX7. Chúng cần chạy rà 100 giờ.

Power Monoblock M180 có giá tham khảo 6.300 USD, ~132.300.000 đồng/cặp, bảo hành 2 năm phần máy và bảo hành giới hạn 6 tháng phần đèn.

Đặc tính kỹ thuật:

4 bóng công suất KT90, 2 bóng 12AU7, 1 bóng 12AX7

Công suất tối đa: 180Wpc chế độ ultralinear (ở 22,6 dBW, 8 ohm)

Tần số đáp ứng: 5Hz - 50kHz ở ± 1dB

Độ méo THD: <0,1%

Độ nhạy đầu vào: 1,0V RMS

Trở kháng đầu vào: 200 kohm

Điện áp đầu vào: 115/230V, 50/60Hz

Kích thước (Rộng x Cao x Sâu): 370 x 180 x 490 mm

Khối lượng: 25kg

Màu: Đen hoặc bạc.

 

Preamp Aesthetix Calypso

Aesthetix là một hãng nhỏ làm máy theo truyền thống ráp thủ công tại California Hoa Kỳ với kỹ sư Jim White là chủ và là kỹ sư trưởng. Ông từng tham gia hãng Theta Digital, rất đam mê âm thanh đèn và đã bắt đầu theo đuổi việc thiết kế pre-power đèn trên 20 năm… Năm 2005 Jim White chế tạo ra 2 pre đèn Phono Rhea dùng 10 bóng và pream Line Calypso dùng 4 bóng, lắp mạch Monoblock đối xứng. Ngay lập tức Aesthetix Calypso được các tạp chí âm thanh lớn nhất ở Mỹ và châu Âu The Absolute Sound (TAS), What Hi-fi và Stereophile xếp vào “bảng A - preamp hay nhất” 5 năm  liên tiếp. Đặc biệt là Calypso có giá rẻ nhất trong bảng xếp hạng này.


Aesthetix Calypso là một pream thuần đèn, không pha bán dẫn với thiết kế mạch balance lắp ráp đối xứng mono block, có độ tương thích cao với các loại power kể cả đèn hay bán dẫn vì nó có 2 gain: một gain trung bình và một gain cao tuỳ chọn. Calypso được đánh giá là một trong những pream hay nhất hiện nay. Calypso loại thường có tụ màu vàng, giá 5.000 USD (105 triệu đồng – loại tham gia khảo sát) và loại Signature tụ màu đỏ Dynacap giá 7.000 USD (~147 triệu đồng).

Đặc tính kỹ thuật:

Đầu vào: 5 RCA hoặc 5 XLR (balance), 1 Tape (RCA hoặc XLR)

Đầu ra: 2 RCA (SE) và XLR (balance), 1 Tape RCA

Kiểm soát âm lượng: 88 bước, mỗi bước tương ứng 1dB

Bảng điều khiển phía trước: các đầu vào chính, đầu vào Tape, âm lượng, balance, màn hình, tắt tiếng, standby

Điều khiển từ xa: đầu vào chính, chọn đầu vào Tape, âm lượng, balance, màn hình, tắt tiếng, standby

Tần số đáp ứng: 20 Hz - 20 KHz ở -0,25 dB

Trở kháng dòng vào: 40 kohm SE, 80 kohm balance

Dòng đầu vào tối đa: 3,5 volt SE; 7,0 volt RMS balance

Trở kháng đầu ra: 1kohm SE; 600 ohm balance

Bóng chân không, mỗi kênh V1 (12AX7 hoặc tương đương), V2 (6922/6DJ8)

Công suất tiêu thụ: 20 watt ở standby, 60 watt hoạt động

Kích thước (Rộng x Cao x Sâu): 45,4 x 11,11 x  45,72 cm

Khối lượng vận chuyển: 18,14 kg.

 

Phối ghép

Việc phối ghép trải dài qua 6 cặp loa. Đầu tiên là Images In Grey dB 10.6 công suất 110W 8 ohm, 93 dB 4 đường tiếng. Thoạt đầu, âm thanh chưa thanh thoát khiến mọi chú ý tập trung vào dây. Sau khi có dây tín hiệu (RCA và Balance) và dây loa của Analysis Plus, dây nguồn của Analysis Plus và Furutech, dù đã được cải thiện vượt bậc, giải pháp vẫn cho cảm giác “nghẽn” do độ nhạy và công suất thiếu. Cặp Living Audio CE- 1ac công suất thấp, 50W 8 ohm nhưng độ nhạy trên 100 dB cho tiếng nhạc tròn, mềm, đặc nhưng cũng hiền, chưa hoành tráng, thăng hoa.

Chuyển sang cặp Paradigm Monitor 11 v7, công suất 250W 8 ohm, độ nhạy 93dB, dường như khúc mắc đã được giải quyết. Hiềm nỗi, tháp âm thanh của Paradigm Monitor 11 v7 dù là vững chãi vẫn chưa được như muốn, cần cặp loa có trầm rộng và động hơn để cho nền móng âm thanh vững chãi hơn. Cặp AR TSW 610 công suất 170W 4 ohm, độ nhạy 87dB gần như thoả mãn cả yêu cầu về bass vì nó có bass 3 tấc và lại thiên trầm. Nhưng, chưa mãn nguyện vì bộ dàn còn dư midle, treble và độ phân giải chưa được thể hiện hết.

Đến cặp Infinity Studio Monitor 150 công suất 300W 8 ohm, bass 4 tấc, độ nhạy 102dB, không còn gì khúc mắc vì sự thoát ý và nếu người nghe đã quen với một chút lạnh lùng, chính xác của dòng loa kiểm thính. Trầm đã xuống hết (nghe được nốt La 27,5Hz), rộng và động; sân khấu sâu hút, cao vút; âm trung rõ ràng, chi tiết, sắc nét; âm cao tơi mịn, chói chang. Tháp âm thanh đều toàn dải bây giờ càng bề thế, không có đoạn nào bị thay đổi tiết diện đột ngột. Tiết tấu nhạc của bộ dàn vững tuyệt đối. Cường độ nhạc phân biệt chi tiết từ nhỏ nhất đến to nhất. Đúng lúc, preamp có 88 nấc chỉnh âm lượng tương ứng 88 dB thì ngay nấc đầu đã có thể nghe rõ cả một dàn nhạc giao hưởng khi về đêm. Mọi âm sắc đều chính xác và gợi cảm.

Chưa hết, chúng tôi còn tiếp tục đề nghị nhà cung cấp chuyển lại cặp loa từng trải nghiệm là Reference 3A Episode (Thế Giới Vi Tính số ra tháng 3/2012). Đây là loại loa quý và quan trọng là nó… “đương thời”, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, đối chiếu. Phối ghép preamp Calypso + monoblock M180 với loa Episode là phối ghép của sự mạnh mẽ và tinh tế, trung thực và tự nhiên của giải pháp xử lý - khuếch đại với cặp loa lãng mạn, nuột nà, đài các, quý phái đã mang lại kết quả mỹ mãn bao gồm tất cả ưu điểm đó.

Cấu hình chọn trải nghiệm bao gồm cả Infinity Studio Monitor 150 và Reference 3A Episode. Chúng tuần tự được nối dây loa Big Silver của Analysis Plus với 2 cục monoblock M180. Monoblock nối dây balance Analysis Plus Oval IW với preamp Calypso còn preamp nối dây balance Analysis Plus Cooper Oval với đầu quay CD Denon DCD 3300. Mâm đĩa than Pioneer XL-1550 sử dụng phono pream Music Hall pa1.2 còn từ pa1.2 nối dây Analysis Plus Oval IW đến preamp Calypso. Các cassette tape deck Beocord 8000 và Beocord 9000 của Bang Oluffsen rất tốt mặc dù dùng dây không nâng cấp được. Ngoài 5 ngõ vào (dùng chuẩn RCA hoặc chuẩn Balance) và 4 ngõ ra power ampli (2 cặp RCA và 2 cặp Balance), Preamp Calypso còn có 1 ngõ vào RCA để thu và 1 ngõ ra RCA để phát băng cassette.

 

Tinh tường

Preamp Calypso của Aesthetix và Monoblock M180 của Rogue Audio diễn đạt được hết những gì bản thu thanh chứa đựng, phân biệt rất rõ nhạc cụ, giọng ca, thậm chí cả “tài cao thấp” của các nhạc công và ca sĩ, phân biệt rất rõ các thành phần tham gia bộ dàn, kể cả các cọng dây. Ví dụ, đầu băng Beocord 9000 nghe với dàn bình thường sẽ khó phân biệt mức hay hơn đầu Beocord 8000 bao nhiêu. Nhưng, nghe với Calypso và M180 thì độ phân giải của Beocord 9000 gấp đôi Beocord 8000. Ở Bang Olufsen, 2 thiết bị này chỉ cách nhau “một cấp”.

Hoặc như, trong 2 loại dây nguồn cùng giá tiền có sẵn là Analysis Plus Power Oval và Furutech FP 314 Ag II, chọn sử dụng loại dây nào cho preamp, dây nào cho monoblock cũng phải cân nhắc. Lý tưởng thì tất cả dây nguồn, dây tín hiệu… đều phải giá trị và cùng một hãng nhưng ở đây, không đủ về số lượng nên cần “lựa chọn những gì quanh ta có”. Đáp án là, dây nguồn Analysis Plus sẽ dùng cho preamp, dây nguồn Furutech dùng cho monoblock.

Dây của Analysis Plus nói chung đều cho nhạc tính chính xác trong khi Furutech có công nghệ đảm bảo truyền dẫn điện cực tốt. Điều đó cũng tựa như dây balance Analysis Plus Cooper Oval giá trị hơn sẽ dùng để nối CD Player với preamp còn từ preamp có thể dùng dây Analysis Plus Oval IW rẻ hơn nối tới monoblock đúng như đã làm. Là do, khâu tín hiệu CD qua Pre xử lý quan trọng hơn là khâu Preamp sang Poweramp.

Theo sơ đồ này, ở cùng một giá, dây loa không cải thiện âm thanh hơn dây tín hiệu, dây tín hiệu không cải thiện âm thanh hơn dây nguồn. Điều đó giải thích vì sao có nhiều cặp dây loa rất đắt trong khi người dùng có thể hài lòng với các cọng dây nguồn, dây tín hiệu rẻ tiền hơn. Dây loa Big Silver của Analysis Plus trong giải pháp kỳ này có giá bán tham khảo 1.300 USD (~27,3 triệu đồng) trong khi các dây tín hiệu (RCA và Balance) và dây nguồn có giá từ vài triệu đồng.

Bộ dàn còn phân biệt rõ rệt các bản thu khác nhau, giữa bản thu gốc và bản thu nhượng quyền, giữa băng đĩa nhà máy và băng đĩa gia công, giữa đĩa than thuần analogue với đĩa than thu thanh chuẩn digital… Những băng đĩa chép rất khó được chấp nhận vì bộ dàn lôi ra hết khiếm khuyết, chủ yếu liên quan đến độ phân giải. Nguồn tư liệu gốc và quý thì chúng tôi có đủ để dùng.

Cuối cùng là phòng nghe. Giải pháp tốt trong phòng nghe yếu sẽ bị rơi vãi rất nhiều. Chưa đến mức xây dựng cơ bản nhưng kỳ này, chúng tôi cũng đã phải “ngu công dọn dẹp” rất lâu để có một không gian khả dĩ hơn, ít nhiều tính đến thấm âm, hút âm và phản âm với nhiều đồ vật bằng gỗ, vải và thảm. Còn lại đành nhờ vào các trang thiết bị điều âm, chân kê chống rung, thấm âm…

 

Điệu nghệ

Hồi hộp nhất là lúc dóng bộ dàn với cặp loa Infinity Studio Monitor 150. Trước khi huy động thêm Reference 3A Episode, “hết” bộ loa đó là chúng tôi “cháy túi”. Bật CD Beethoven Piano Concerto No5 do Helene Grimaud diễn, dù cho piano là cây đàn không rất đặc biệt về âm sắc nhưng khi dàn nhạc và tiếng chạy của piano ào ạt cất lên, chúng tôi thở phào vì cái cần có đã có. Trước đây, đã có một vài người nhận xét cặp loa Infinity cho cảm giác nghệ sĩ trình tấu trước mắt nhưng lần này, bất cứ ai cũng sẽ nhận xét thế.

Hình dung về vị trí ca sĩ (John Denver, Carol Kidd, Thanh Lam, tứ ca The Statlers Brothers trong LP Four For The Show sản xuất tại Mỹ năm 1986 v.v…) đứng trước giữa 2 loa, ban nhạc lùi phía sau giữa 2 loa là cảm nhận rõ như nhìn thấy. Với các đại giao hưởng hay hợp xướng, khi ngồi vào điểm ngọt, nhắm mắt lại nghe, bạn cũng thấy rõ phân bổ của từng nhóm nhạc cụ, giọng ca. Nhạc chi tiết đến mức cảm tưởng sẽ đếm được số nhạc cụ đang chơi, số người đang hát bè…

Nghe các violin concerto của Wieniawsky hay Zigeunerweisen của Sarasate mà Gil Shaham trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng London (Deutsche Grammophon, CDA-975) hay các violin concerto của Vivaldi do Viktoria Mullova cùng các đồng nghiệp trình diễn (Onux, CDA-7892) không những không hề thấy “điểm bất mãn” nào mà còn hiểu biết thêm nhiều ngón của nghệ thuật diễn tấu violin như âm bồi, legato hay pizzicatto (búng dây). Concerto cho 4 violin và cello của Vivaldi, chương 1 và 3, nhạc chạy nhanh mà nghe vẫn thủng thỉnh… Mới thấy nghệ sĩ và biên tập viên âm thanh đã phải lao động tỉ mỉ đến mức nào.

Nghe Sonata cho Cello và Piano của Johaness Brahms (Peter Schenkman (Cello) và Elyakim Taussig (piano) (đĩa than của CBC Radio Canada sản xuất năm 1971) thì chỉ muốn nghe lại vì những “tiếng cứa” dày mọng, nổi da gà gây nghiện của cây cello. Nhiều audiophile, trong đó có cả chúng tôi “lên đèn” vì mong muốn được nghe cello diễn tấu hết khả năng như thế.

CD song tấu guitar Katona Twins – Isaac Albeniz – Espana, Iberia, Mallorca – CDA-6206 đã được nghe nhiều lần trên các phối ghép đã kể là một trong những CD guitar sâu và hay mặc dù cũng hơi khó nghe với những người bắt đầu. Nhưng, đặc biệt nhất có lẽ là đĩa than độc tấu guitar của Jovan Jovicic (Jovan Jovicic – Konzert za gitaru, sản xuất tại Nam Tư năm 1974) đã từng được đề cập với những âm méo, không bình chuẩn của đàn guitar và do thế bấm chặt tay.

Đồng nghiệp, bạn nhạc khi nghe đĩa đó cùng chúng tôi đã rất xúc động. Anh đề nghị thu cho một cassette để nghiên cứu… “xem nó còn bao nhiêu phần trăm trên bộ dàn ở nhà”. Jovan Jovicic là guitarist theo trường phái cổ điển thuần tuý và mẫu mực, trau truốt từng nốt với mục đích gán cho chúng ý nghĩa vật lý cũng như giá trị nghệ thuật không lặp. Người nghe Jovan Jovicic dù chỉ là qua đĩa hát sẽ không bao giờ quên được ông ấy. Cùng tầm với Jovan Jovicic, thế giới còn có Ivanov-Kramskoi (Nga)… Để nghe thấy hết ý đồ của Jovan Jovicic trong từng nốt khác biệt (mà người bạn nhạc cho là những khắc khoải) đó mà không bị mệt, cần có giải pháp điệu nghệ.

Trong trải nghiệm, chúng tôi còn nghe nhiều đĩa than, trong đó có George Winston December. Đây là một đĩa độc tấu piano nhạc nhẹ sản xuất bởi Windham Hill Records năm 1982. Chúng tôi nghe nó với cặp loa Paradigm Monitor 11 v7 và AR TSW 610. Có một phát hiện trong đĩa than này: Những tiếng piano trong trẻo, lung linh và “uốn éo, lượn sóng” trong nhiều đoạn nhạc chậm, âm lượng nhỏ, nghe như tiếng clavecin (harpshichord) hay thậm chí guitar dây nylon vậy.

Muốn có tiếng đàn piano “meo méo” như trên các loại đàn dây, pianist phải xuống tay dứt khoát đến mức búa sẽ làm quằn dây đàn. Thế giới chỉ có vài pianist đạt tầm cỡ thượng thặng này nhất là khi họ phải chơi các “nốt méo” đó ở âm lượng thật nhỏ (Horowitz, Glenn Gould…). Thu tiếng piano “rung và méo” rồi xử lý, phát lại được những tiếng đó như thật ngang tai thật là cao siêu.

 

Trọn đời

Trên audio, có nhiều sản phẩm đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và sẽ còn phát huy công dụng nhiều thập niên nữa, đặc biệt là đồ đèn, loa thùng. Lý do là loa thì bền mà công nghệ làm loa lại thay đổi khá chậm trong khi công nghệ đèn thì đã hoàn chỉnh từ năm 1935. Hơn nữa, đèn vẫn tiếp tục được sản xuất, có những loại đèn cho thời gian sử dụng nhiều nghìn giờ; còn mạch điện trong đồ đèn thường được hàn tay điểm nối điểm không qua trung gian nên bền vĩnh cửu. Preamp Calypso và Monoblock M180 là những món đồ hoàn toàn mới nhưng có đẳng cấp thiết kế đèn đặc biệt đơn giản và hầm hố sẽ có thể tồn tại hàng thế kỷ nếu được sử dụng và bảo quản đúng.

Trước khi nghe Aesthetix Calypso + Rogue Audio Monoblock M180 chạy với “bà già” Infinity Studio Monitor 150, chúng tôi đã có dịp nghe một số giải pháp lớn (vài chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn USD). Cho nên, ấn tượng mà giải pháp lần này mang lại rất lớn. So các giải pháp lớn, nhạc trong giải pháp chọn không thiếu ở khâu nào và còn có thể bổ sung ở nhiều vị trí dây tín hiệu, đầu đọc. Đồng thời, nhạc của giải pháp điêu luyện mà vẫn giữ được sự mộc mạc quý giá…

Việc huy động thêm cặp loa Reference 3A Episode thiết kế 3 loa, 2 đường tiếng, Bass/Mid 20cm chạy thẳng ampli không qua phân tần để trải nghiệm cùng Calypso và Monoblock M180 là một nỗ lực đã được đền đáp. Sự tiến bộ sau vài thập kỷ trong công nghệ chế tác loa của Episode so với Infinity Studio Monitor 150 cũng như cách đặt vấn đề về đẳng cấp hi-end của vật liệu chế tạo với loa Reference 3A Episode này đã mang lại giải pháp loa giá trị, hoàn hảo, hơn hẳn chất bình dân, mộc mạc cho dù chuyên nghiệp của Infinity Studio Monitor 150. Bộ dàn lúc này đã có giá tham khảo khoảng 17.600 USD với 5.000 (pre) + 6.300 (monoblock) + 6.300 (loa) nhưng giá trị âm nhạc của bộ dàn xứng đáng. Vị chi, kể cả đầu đọc, dây nhợ, phụ kiện…“môn đăng hộ đối”, dàn chạy Monoblock M180+ Calypso và 3A Episode sẽ lên tới trên 20.000 USD mới hết ngưỡng đầu tư. Đó thực sự là một mốc phấn đấu chưa nhiều audiophile ở Việt Nam đã đạt.

 

Ưu điểm:

Pream Calypso: Thuần đèn, chuẩn mực, tinh tường

Monoblock M180: Mạnh mẽ, tinh tế, rung động.

 

Nhược điểm:

Đầu tư lớn cho cả dàn, tiêu thụ điện năng và toả nhiệt nhiều.

 

Cung cấp thiết bị: Audio Choice.


1111213[14]