Đánh giá power ampli đèn lai Class D Medusa

Trải nghiệm power ampli đèn lai Class D Medusa của Rogue Audio cho thấy, thế giới âm thanh đỉnh cao ngày càng có nhiều lựa chọn mới đầy hiệu quả.


Power ampli Rogue Audio Medusa là sản phẩm lai giữa đèn và class D trong cùng một bộ khuếch đại, duy trì chất âm quyến rũ trong khi phát huy sức mạnh đầy uy lực.

Số Hóa dóng power ampli đèn lai class D Rogue Audio Medusa vừa khui thùng cùng pre-ampli đèn Rogue Audio Metis (dây nguồn AC Basik của Synergistic Research và dây tín hiệu Alpha ADL Line One của Furutech) với đầu CD Denon DCD 3300 và cặp loa Techwood S6C để nghe thử, dây tín hiệu được sử dụng là Oval One của Analysis Plus. CD thử nghiệm là đĩa test của AV Show Vietnam tháng 9 và bật liền lúc mấy bài quen thuộc như My Little Angel, The Way We Were, Les Feuilles Mortes; Her Hvor Vi Bor; Feelings… Một cảm giác tự tin hoàn toàn về một bộ dàn tươi mới ập đến: Bass dồi dào, truyền cảm; mid trung dung, đầy đặn; treble tơi mịn, sáng sủa… Âm hình rất rõ, vừa rộng rãi, thoáng đãng, vừa sâu sắc, cụ thể. Bộ dàn thể hiện các bản nhạc tự nhiên, đơn giản và giàu tình cảm một cách mạch lạc, tự nhiên, tròn trịa, ấm áp… Mặc dù có những âm thanh khác lạ chưa từng thấy ở các giải pháp trải nghiệm trước đây, nhưng bộ dàn hoàn toàn không có những chi tiết thể hiện những nhược điểm có thể có ở dòng sản phẩm class D mà các audiophile vẫn thường nhắc đến. Thứ âm thanh xuất ra từ pre-ampli đèn Metis và power ampli Medusa đèn lai class D vẫn hoàn toàn chặt chẽ, đầy đủ chất analog. Đây hoàn toàn có thể là giải pháp để những audiophile ưa hiệu năng tính đến…


Power ampli đèn lai Class D Medusa rất tiệp với preamp đèn Metis cũng của hãng Rogue Audio. Bộ đôi này hầu như không ngại loa nào...

Ngoài Techwood S6C công suất 150W 8 Ohm, loa để trải nghiệm Medusa còn có Infinity Studio Monitor 150 300W 8Ohm và AR TSW 610 công suất 170W 4Ohm. Khi chơi với loa Infinity, power đèn lai class D Medusa cũng mê hoặc bằng một ngôn ngữ lạ, chưa từng thấy và đầy quyến rũ. Cái chưa từng thấy ở đây, cũng như khi nghe với loa Techwood và AR là chất giọng tươi tắn, khoẻ khoắn rất khác. Medusa được nghe với Infinity đủ lâu, cấu hình với Infinity có thể coi là một cấu hình chọn. Dù Infinity có công suất tới 300 W/kênh nhưng độ nhạy của nó cao, mặt khác công suất đầu ra của Medusa đủ lớn nên không có bất kỳ phàn nàn nào về công suất cả. Hơn nữa, Medusa là sản phẩm khuếch đại toàn dải, lợi bass và treble nên càng làm cho Infinity Studio Monitor là loại loa có một treble, 2 mid (Infinity có vẻ lợi mid), một bass 38cm "hát" hay hơn nhiều.

Pre-ampli đèn Metis và power đèn lai Class D Medusa ghép với đôi loa AR TSW 610 thật dễ dàng, khiến cho đôi loa AR này trở nên đường bệ với những tiếng đàn tròn trịa, mạnh mẽ, đầy lực và chi tiết. Dù củ loa bass của AR TSW 610 chỉ là loại 30cm nhưng các thể hiện bass của nó khi tham gia phối ghép với Medusa không khác gì các thể hiện từ loa Infinity và Techwood - đều có bass 38 cm. Âm trung và âm cao với AR TSW 610 đều rõ ràng, tự nhiên, không khiếm khuyết. Giải pháp xử lý và khuếch đại Metis + Medusa có thể dễ dàng đáp ứng nhiều loại loa.


Medusa có đầu vào balance và unbalance RCA; cọc bắt dây loa chắc chắn hỗ trợ nhiều cách cắm bắp chuối, xiết ốc đầu dây để trần, xỏ lỗ bắt ốc...

Nghe thử CD Ray Brown & Laurindo Almeida – Moonlight Serenade trên cả ba đôi loa, âm nhạc song tấu guitar và contrabass thật lạ lẫm. Tiếng guitar chạy đơn giản theo chủ đề chương 1 bản Sonata Ánh Trăng của Beethoven cùng với phần "trải lòng" phụ hoạ của contrabass khiến người nghe nhìn rõ vào bass và độ chi tiết của giải pháp. Nhiều đoạn độc tấu contrabass trong CD này có thể khiến nhiều củ loa bass khác không chịu nổi nhưng Metis và Medusa đã làm việc rất tốt, giúp cho bass của Infinity và AR vượt qua hết. Với Techwood S6C, các chân kê chống rung Vibrapod Cone đã góp phần giúp xử lý tốt đẹp các đoạn trầm sâu nhất.

Ở thể loại concerto, CD Music Of Gabrieli – Empire Brass của Telarc (Telarc International, Mỹ, 1989) là một album hòa tấu dày đặc, lộng lẫy của ban kèn đồng. Dàn kèn trình bày các tác phẩm kèn đồng kinh điển và rất nổi tiếng như các Canzon, Sonata, Concerto của Giovanni Gabrieli và các tác giả thời kỳ Phục hưng/Baroque khác. Cảm giác nghe một hoà tấu lớn mà từng nhạc cụ được thể hiện mình một cách chi tiết mà hoà quyện với các nhạc cụ khác thật là thú vị. Giải pháp xử lý và khuyếch đại Metis và Medusa đã làm tốt điều đó trên tất cả các đôi loa trải nghiệm. Một ban kèn hơi cũng trải dài từ trầm đến bổng, từ Tuba, Trombone, Horn, Trumpet… Cho nên, khi một dàn kèn hàng chục chiếc cùng chơi, độ dày âm thanh mang lại không thua kém dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ còn về âm lượng thì hoàn toàn không thua dàn nhạc giao hưởng.


Medusa có công tắc bật tắt nguồn đặt ở vị trí thuận tay; cầu chì để ngoài dễ theo dõi, kiểm soát, thay thế nâng cấp; ổ cắm nguồn rời hỗ trợ việc sử dụng đa dạng dây nguồn.

Việc nghe bộ khuếch đại đèn lai Class D với nguồn âm từ đĩa than chủ yếu là để xem có gì khác biệt giữa một nguồn âm thuần analog với khuếch đại có lai Class D với các giải pháp thuần analog từng nghe trước đây hay không. Bộ 2 LP Beethoven Symphony No5 C-minor & Symphony No9 D-minor ‘Choral’ do Otto Klemperer chỉ huy The Philharmonia Chorus & The Philharmonia Orchestra (Toshiba sản xuất tại Nhật theo nhượng quyền của Angel Records) đã được nghe bằng mâm đĩa than Pioneer XL-1550 (kim MM của Audio Technica). Otto Klemperer (1885 – 1973) là nhạc trưởng xuất chúng ở thế kỷ 20 và là nhạc sĩ người Đức. Bản thu nói trên có từ những năm 1950 nhưng vẫn cho thấy dàn nhạc và đồng ca mà Otto Klemperer chỉ huy đã biểu diễn 2 tác phẩm để đời của Beethoven một cách tuyệt mỹ.

Các bộ phận trong dàn nhạc, từng nhạc công… phối hợp với nhau hết sức ăn ý, cứ như là chiều cao 1,98 mét của vị "nhạc trưởng" nặng 130 kg này đã giúp ông bao quát và chỉ huy một cách thật dễ dàng. Đặc biệt, giữa thứ nhạc từ đĩa than với thứ nhạc từ CD gốc hầu như không có sự khác biệt khi chúng đều được xử lý và khuếch đại bởi Metis và Medusa. Chúng đều đều toàn dải, chi tiết, mạnh mẽ, lợi bass và treble trong khi không để hổng âm trung. Medusa đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai định dạng analog, digital và cho ra một chất âm trung dung, tự nhiên, không quá mộc mạc nhưng cũng không quá hỗn tạp. Chất âm đĩa than luôn có phần quyến rũ hơn chất âm CD do sự mềm mại, trung thực cao nhưng ở CD gốc và giải pháp tốt, không thể phủ nhận CD.

Thông số kỹ thuật

Công suất đầu ra: 200W x 2 kênh cho loa 8Ohm và 400W x 2 kênh cho loa 4 Ohm
Độ méo tổng quát THD: <0,1% hoặc <1,0% ở công suất tối đa
Tần số đáp ứng: 5Hz – 30kHz ở +/-1dB
Bóng đèn: 2 bóng 12AU7.

Bài và ảnh Như Dũng