Jim White vị kiến trúc sư trưởng tài ba

Với những bước tiến vững chắc, sau hơn 15 năm, Aesthetix đã trở thành thương hiệu hi-end đặc biệt của nước Mỹ.

Hơn thế, bằng những thiết kế mạch pre phono dùng bong đèn điện tử, Aesthetix đã có tầm ảnh hưởng nhất định đến ngành công nghiệp âm thanh thế giới. Nhân dịp Jim White (JW) – chủ nhân kiêm kiến trúc sư trưởng của Aesthetix – đến thăm nhà phân phối Audio Choice tại Tp.HCM, phóng viên tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông về thương hiệu Aesthetix.

 

Ông có thể vui lòng giới thiệu một số thông tin về thương hiệu Aesthetix?

Jim White (JW): Năm lên 10 tuổi, tôi bắt đầu đọc các tạp chí về âm thanh. Tạp chí đầu tiên tôi có là High Fidelity. Từ thời niên thiếu, tôi đã biết rằng: tương lai của tôi sẽ gắn với ngành công nghiệp âm thanh hi-end. Khi còn đi học, tôi thường vẽ thiết kế ampli và loa. Năm lên 16 tuổi, tôi làm việc tại cửa hiệu audio tại Santa Monica với tần suất 3 giờ / ngày. Hai năm sau, tôi chuyển sang làm việc ở một shop hi-end, chuyên doanh một số thương hiệu audio nổi tiếng như: Audio Research, Vandersteen, Martin Logan…

Năm 20 tuổi, tôi chính thức “gia nhập” ngành công nghiệp hi-end khi đến làm việc tại Theta Digital. Lúc đó tôi đang sử dụng đầu đĩa than Oracle Delphi MKII và kim Koetsu Rosewood Signature, nhưng không tìm được pre phono thích hợp. Ở thời điểm đó, thị trường chỉ cò prephono Audio Research PH3, nên tôi quyết định tự thiết kế preamp phono chạy đèn. Được Mike Moffet trợ giúp kỹ thuật, mạch phono đầu tiên của tôi ra đời kèm theo nhiễu ù nền cùng nhiều vấn đề về mạch, nhưng chất âm lại rất tốt. Năm 1994, tôi thiết kế pre phono IO từ thiết kế mạch trên. Thiết kế mạch của IO không giống mạch phono sẵn có trên thị trường ở thời điểm đó. Cũng trong thời gian này, tôi cho ra đời preamp Calypso. Lúc đầu, Aesthetix chưa thể đạt doanh số cao do định dạng analog không phổ biến. khi giới thiệu pre phono Aesthetix, một số đại lý tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả thiết kế do pre phono chạy 24 đèn điện tử. Không đòi hỏi nhiều thời gian, nên tôi quay lại Theta digital với vai trò quản lý và chĩ dành ngày nghỉ cuối tuần cho các đơn hàng của Aesthetix.

Tình hình kinh doanh của Aesthetix khá dần lên. Những người dùng preamp phono Aesthetix đã giới thiệu với bạn bè của họ. Tôi may mắn có được nhà phân phối Musical Surrounding để phát triển thương hiệu Aesthetix. Dần dà nhu cầu sản phẩm tăng cao khiến tôi phải rời Theta năm 2001 để có đủ thời gian dành phát triển them các sản phẩm mới cho thương hiệu của mình. Tôi cho ra đời các phiên bản Signature đặc biệt dành cho model IO và Calypso. Trong hai năm 2004 – 2005, Aethetix có dòng sản phẩm mới Saturn series. Kể từ đó, Aethetix phát triển nhanh và mạnh, được nhiều thị trường chấp nhận. Năm 2007, mẫu power Atlas ra đời giúp Aesthetix hòan thiện dòng sản phẩm của hãng.

 

Ông có thể tiết lộ một số tính năng, kỹ thuật đặc biệt của Aesthetix trong thiết kế pre phono?

JW: Khi thiết kế thiết bị âm thanh, tôi quan tâm đến tất cả thành phần. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh đến thiết kế mạch cấp nguồn. Trong đó, tôi tập trung vào power supply, sử dụng nhiều choke cùng các biến thế nguồn do Aesthetix thiết kế. Các thành phần trong bo mạch được cách ly để tránh nhiễu tối đa. Nếu nhìn vào model IO, chúng ta có thể thấy mỗi tầng trong ampli sử dụng biến thế nguồn rời, giúp các thiết kế của Aesthetix có được chất âm trung thực, âm hình rộng, chính xác, đạt độ động cao… mà không thiên đèn quá nhiều. Đó là những phẩm chất mà tôi cảm nhận được khi thưởng thức nhạc live.

Nhưng nâng cấp linh kiện tốt hơn không vó nghĩa sẽ có chất âm tốt hơn. Việc nâng cấp từ Rhea lên phiên bản Rhea Signature đòi hỏi những công việc phức tạp. Không đơn thuần nâng cấp linh kiện, chúng ta phải chọn linh kiện phù hợp với mạch. Các linh kiện phải tương tácm hỗ trợ ăn ý với nhau.

 

Mạch cân bằng là đặc trưng trong thiết kế mạch của Aesthetix. Ông có thể cho biết tại sao ông chọn mạch balance, trong khi mạch này cần nhiều linh kiện, khó thiết kế khiến giá thành tăng cao?

JW: Mạch balance có nhiều ưu điểm đặc biệt liên quan đến phân cấp nguồn. Với nguồn tín hiệu riêng biệt độc lập của hai kênh, nó chịu ảnh hưởng của mạch cấp nguồn. Nhưng những  ảnh hưởng này sẽ triệt tiêu nhau ở mạch balance. Vì thế, với thiết kế mạch nguồn lớn và phức tạp của Aesthetix, ảnh hưởng của nó đến tín hiệu giảm đáng kể, dòng nối đất và nhiễu ảnh hưởng đến tín hiệu đều giảm.Nhờ đó, chất âm được cải thiện nhiều mặt: tự nhiên, chi tiết, trung thực và có độ động lớn tốt hơn. Đương nhiên thiết kế mạch balance tốn kém hơn do sử dụng nhiều linh kiện hơn. Mạhc cân bằng trong sản phẩm Aesthetix có các vế giống nhau đến từng chi tiết. Người dùng có thể mang bo mạch trái lắp cho bo mạch phải và ngược lại.

Dù chỉ sử dụng tòan bộ đèn điện tử, nhưng thiết kế mạch cân bằng giúp Rhea đạt độ lợi gain 75dB. Cũng cần nói thêm rằng: Rhea không phải là mạch cân bằng hòan tòan mà tầng vào vẫn sử dụng mạch single-end. Từ đó, đường đi tín hiệu sẽ cân bằng đến tầng ra.

Hiện giờ, chúng tôi rất nóng lòng được thưởng thức bộ đôi cơ và D/A đầu tiên của Aesthetix? Ông có thể cho biết một số thông tin về đầu đọc Romulus và DAC Pandora?

JW: Thiết kế Pandora và Romulus là một trong những thử thách lớn với tôi. Một số công nghệ mới tôi xin giữ bí mật. Thông tin cơ bản về bộ đôi này có thể kể đến như: kỹ thuật giảm nhiễu cho tín hiệu digital từ đầu ra SPDIF, bộ dock không nhiễu jitter, trang bị kỹ thuật kết nối USB không đồng bộ, sử dụng bộ cấp nguồn lớn tương tự power supply của Rhea và giải mã DAC với thiết kế mạch analog out được chế tạo tỉ mỉ tương tự preamp Calypso chạy 4 bóng điện tử. Từ những kinh nghiệm trong nhiều năm làm việc ở Theta, tôi thấy hài lòng về chất âm của những thiết bị digital này.

 

Trong khi các nhà sản xuất hi-end liên tục tung ra sản phẩm mới, thì có vẻ Aesthetix khá chậm chân trong vấn đề này, bù lại hãng dường như không có sản phẩm “chết”?

JW: Điều cốt lõi ở Aesthetix là chúng tôi không kinh doanh thuần túy. Tôi thiết kế sản phẩm bằng sự đam mê và mong muốn mang những gì tinh túy nhất của âm thanh đến người yêu âm thanh. Đặc biệt, tôi không chịu ảnh hưởng của thị trường, nên không thiết kế sản phẩm để thỏa mãn thị trường. Tôi muốn có những sản phẩm giá trị và đặc biệt. Tôi thấy vui khi có nhiều mẫu preamp phono “copy” lại những tính năng của Rhea như: sử dụng mạch balance, dùng tòan đèn điện tử, tích hợp remote điều khiển, hiệu chỉnh được gain / loading, nhiễu ngõ vào… Điều đó chứng tỏ sản phẩm do tôi thiết kế có ảnh hưởng nhất định đến ngành công nghiệp hi-end.

 

Trong tương lai, ông có dự định phát triển thêm các mẫu ampli mới bên cạnh Atlas?

JW: Hiện tại, Atlas là poweramp có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu công suất cho những thiết kế khó tính nhất. Bởi bên cạnh model stereo, Atlas Signature là phiên bản mono cho phép tăng công suất từ 200 W / kênh lên 300 W / kênh. Khó có thể thiết kế thêm những model mới với giá bán thấp hơn hoặc cao hơn hai phiên bản Atlas. Với mức giá thấp hơn, nó không đảm bảo chất lượng âm thanh. Để thiết kế sản phẩm đắt hơn, tôi cần tạo nên bước đột phá so với Atlas. Vì thế, lúc này, tôi dành thời gian để hòan thiện sản phẩm digital. Ngòai ra, hiện nay, chúng tôi đang thành công với Atlas, đặc biệt là phiên bản mono Atlas Signature.

 

Cám ơn ông về những trao đổi xung quanh Aesthetix. Tôi tin rằng Aesthetix luôn đi đúng hướng và sẽ ngày càng lớn mạnh.

“Không kinh doanh thuần túy, Jim White thiết kế sản phẩm bằng sự đam mê và mong muốn mang những gì tinh túy nhất của âm thanh đến người yêu âm thanh.”

Theo Nghe Nhìn

1[11]121314