Vai trò các thiết bị trong bộ dàn
Việc xác định thiết bị có ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng âm thanh của
hệ thống audio đã gây ra nhiều cuộc tranh luận không chỉ trong giới
audiophile mà với cả nhà sản xuất.
Trong số ra tháng này, chúng tôi sẽ đăng tải cuộc tranh biện “hiếm có”
giữa các nhân vật audio hàng đầu thế giới như: Ivor Tiefenbrun (chủ hãng Linn),
David A.Wilson (chủ hãng Wilson Audio), Harry Pearson (chủ bút tờ Absolute
sound)… về chủ đề trên. Cuộc tranh luận thú vị này được thực hiện dưới sự dẫn
dắt của phóng viên Robert Harley (Absolute Sound).
Mai A tổng hợp
Robert Harley: Nội dung của cuộc trao đổi tập trung vào vấn đề
thiết bị nào có ảnh hưởng nhiều nhất và ít nhất đến chất lượng của hệ thống âm
thanh. Cuộc thảo luận nên vượt ra ngoài phạm vi của lý thuyết. Bởi với độc giả,
việc sắp xếp thứ bậc quan trọng của các thiết bị giúp họ phân bổ ngân sách hợp
lý cho các thành phần trong bộ dàn.
Xin được bắt đầu với Dave Wilson.
Tại CES, ông đã trình diền bộ dàn khiến khán giả nghĩ là ông đang chơi bằng đầu
CD trị giá 25 nghìn USD với cặp Wilson Sophia. Nhưng đến cuối buổi trình diễn,
người nghe mới vỡ lẽ ra rằng ông sử dụng nguồn phát bằng iPod.
Dave Wilson: Tôi làm việc đó không phải để quảng cáo cho iPod. Chắc
chắn Steve Jobs làm việc đó tốt hơn tôi. Việc demo giúp người chơi nhận thấy
tầm quan trọng của từng thiết bị tái tạo âm thanh trong hệ thống. Với tôi, việc
đầu tư cho thiết bị nào sẽ quyết định chất lượng và đặc tính âm thanh của bộ
dàn. Tôi thấy có ba nhân tố quan trọng nhất: Trước tiên là microphone sử dụng
trong phòng thu, tiếp theo là xử lý âm học phòng, cuối cùng là hệ thống loa.
Trong điều kiện nhất định, người dùng không có khả năng can thiệp vào hệ thống
ghi âm và chỉ có thể can thiệp tối thiểu vào phòng nghe, nên yếu tố còn lại là
loa. Như vậy, loa là nhân tố quan trọng nhất. Trải nghiệm nói trên cho thấy ảnh
hưởng của loa vượt trên chất lượng của ampli, dây dẫn hay nguồn âm.
Robert Harley: Ivor, ông đã cho thế giới biết tầm quan trọng của
nguồn âm bằng việc cho ra đời mâm đĩa than Linn LP12 trong kỷ nguyên mà nhiều
người nghĩ rằng đầu đĩa than không ảnh hưởng đến âm thanh. Trước ý kiến của
Dave, ông có quan điểm như thế nào?
Ivor Tiefenbrun: Quan điểm của Dave khiến tôi choáng (cười). Việc
đánh giá cặp loa đóng vai trò quyết định chất lượng âm thanh của Dave khá kỳ
lạ. Linn không chỉ sản xuất loa mà còn sản xuất các thiết bị khác trong bộ dàn
hi-fi. Thực tế hiển nhiên là mọi thứ đều xuất phát từ nguồn âm. Gilbert Briggs
danh tiếng (người sáng lập Wharfedale, tác giả của nhiều cuốn sách về loa) cũng
có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Ông Gilbert Briggs từng cho biết: Loa chỉ
can thiệp theo hướng tiêu cực đến tín hiệu nguồn truyền vào nó. Nói cách khác,
loa không thể gia tăng giá trị với nguồn âm, cho dù có ý kiến cho rằng loa góp
phần làm cho hệ thống hay hơn. Nhưng thực tế, loa chỉ tác động xấu đến tín hiệu
nguồn mà thôi.
Tôi thông cảm với những người chỉ
sản xuất loa. Họ không hiểu loa phải kêu như thế nào do không điều chỉnh, không
so sánh và kiểm tra tín hiệu ở từng giai đoạn trong quá trình tái tạo của hệ
thống hi-fi trọn vẹn. Thậm chí, khi họ không hiểu, tôi cũng thấy rất khó chia
sẻ quan điểm về việc làm thế nào để loa có thể tăng thêm thông tin cho tín hiệu
đầu vào, làm thế nào để loa có thể làm như vậy theo hướng tích cực.
Việc phân biệt thứ bậc của từng
thiết bị trong bộ dàn giúp người chơi đưa ra thứ tự ưu tiên khi xây dựng hệ
thống có âm thanh tốt. Song tôi cũng khá do dự khi khẳng định mối tương quan
giữa tầm ảnh hưởng của từng thiết bị đến quyết định phân bổ ngân sách. Khi mới
tham gia vào lĩnh vực này, tôi từng sử dụng một nửa ngân sách để mua loa, nửa
còn lại mua ampli, nửa còn lại mua đầu cartridge, nửa còn lại là tay cần đĩa
than, cuối cùng mới đến mâm đĩa. Công thức này thoạt tiên khá buồn cười, nhưng
rốt cuộc chẳng có ý kiến trái ngược.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi về
vấn đề này rất rõ ràng. Tôi cho rằng những ý kiến độc lập và khách quan cũng
tương tự như vậy.
Dave Wilson: Tôi đồng ý với Ivor rằng loa sẽ làm giảm chất lượng
của tín hiệu nguồn. Dĩ nhiên, người chơi luôn mong muốn tìm được cặp loa ít can
thiệp đến tín hiệu nguồn nhất (có thể). Với những người chỉ sản xuất loa như
chúng tôi, tôi biết rất rõ loa cần kêu như thế nào vì tôi sử dụng băng master
30inch/giây để kiểm soát âm thanh của nó. Đó là một trong những căn cứ lý tưởng
để hiểu được loa cần kêu ra sao.
Phải thừa nhận loa là thiết bị
kém hoàn hảo nhất trong hệ thống. Chúng nhận phần việc khó khăn nhất khi chuyển
đổi toàn bộ tín hiệu điện tử thành chuyển động cơ học để kết hợp với không khí
trong phòng mà bản thân căn phòng cùng với nhiều đặc tính âm học khác nhau
khiến việc phối hợp vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất. Cùng với đó
là khoảng cách lớn giữa cặp loa chất lượng cao và những đôi loa dở. Do đó,
người chơi phải lựa chọn cặp loa phù hợp rồi mới đến quá trình xây dựng các
thiết bị còn lại để phù hợp với nó.
Robert Harley: Harry, ông có nhiều kinh nghiệm trong set up hệ
thống ampli, đầu đọc chất lượng cao và loa. Quan điểm của ông về vấn đề này thế
nào?
Harry Pearson: Tôi thực sự băn khoăn khi ông gợi ý về chủ đề này.
Nếu người dùng có hệ thống nguồn phát xuất sắc mà các thiết bị phía sau không
cùng đẳng cấp, thì sẽ khó cảm nhận được chất lượng của nguồn phát. Ngược lại,
nếu người dùng có cặp loa xuất sắc và tất cả thiết bị trước nó không có chất
lượng tương ứng, thì sẽ thiệt thòi.
Tôi tán đồng với quan điểm của
David khi cho rằng bản ghi là yếu tố đáng giá nhất. Ở góc độ khác, tôi cũng
đồng ý với quan điểm đánh giá cao tầm quan trọng của đôi loa, song phải tính đến
việc chúng tương thích với các thiết bị còn lại của hệ thống như thế nào. Người
mua sẽ bị cho là mất trí nếu sắm cặp loa có giá 100 nghìn USD trong khi chỉ
dành 10 nghìn USD cho các thiết bị còn lại.
Dave đã đúng khi cho rằng loa
phải thực hiện công việc khó khăn nhất khi biến đổi tín hiệu điện từ thành năng
lượng cơ học. Vai trò của loa khá giống đầu cartridge trong hệ thống nguồn âm.
Nhưng ngược lại, cartridge biến các tiếp xúc cơ học thành tín hiệu âm thanh.
Robert Harley: Chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của nguồn âm trong
kỷ nguyên của analog. Khai thác được toàn bộ thông tin từ đĩa than là thách
thức lớn. Nhưng hiện giờ, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của digital, liệu
nguồn phát có còn quan trọng? Việc khai thác tín hiệu digital có khó khăn như
khi khai thác tín hiệu analog?
Harry Pearson: Tôi cho rằng không có gì phải bàn về vấn đề này. Với
tôi, việc khai thác thông tin từ đĩa than khó gấp nhiều lần đĩa CD.
Dave Wilson: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Nếu quan sát
bộ phận biến năng của đầu cartridge sẽ thấy có khoảng cách lớn giữa loại có
chất lượng trung bình với thiết bị đỉnh cao. Xét kỹ hơn còn phải kể đến kết cấu
của step-up, cấu tạo hình học của tay cần và mâm đĩa, độ ổn định của tốc độ,
giảm trấn, độ biến tốc theo dòng… Tất cả nhân tố này tạo ra trở ngại lớn trong
quá trình khôi phục âm thanh analog. Tuy nhiên, kết quả mang lại khiến người
nghe thỏa mãn hơn bởi thông tin trên đĩa than đầy đủ hơn tín hiệu trên đĩa CD.
Robert Harley: Digital đã khẳng định được vị thế. Theo ông Ivor,
liệu có phải định dạng digital khiến nguồn âm trở nên kém quan trọng hơn so với
kỷ nguyên của analog?
Ivor Tiefenbrun: Tôi từng tuyên bố đầu đĩa than có khả năng tạo sự
khác biệt về âm thanh lớn nhất so với các thiết bị còn lại trong bộ dàn. Không
ít người đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy khi nó chỉ có tác dụng vận hành chiếc
đĩa chạy vòng quanh. Tôi đã trả lời là loa cũng chỉ vận hành vào ra. Một trong
những yếu tố khiến nhiều người lúng túng là câu hỏi về giá.
Chúng ta rất khó đưa ra sự tương
quan về giá. Những vấn đề chúng ta bàn đến là thứ tự ưu tiên và thiết bị nào
quan trọng nhất. Nếu chúng ta đưa tín hiệu tốt vào cặp loa bình thường, thì sẽ
thu được kết quả có thể chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta có cặp loa tốt nhất và
đưa vào đó tín hiệu dở, chắc chắn âm thanh nhận được sẽ không tệ hơn.
Tôi không khuyên mọi người đừng
đầu tư vào loa. Nhưng họ nên hiểu cách xây dựng hệ thống nên chú trọng vào
thiết bị nào và thiết bị nào đáng phải ưu tiên.
Dave Wilson: Tôi đồng ý. Dù có thiết bị được đánh giá là quan trọng
nhất cũng không thể đứng độc lập. Âm thanh đòi hỏi sự phối ghép giữa nhiều
thiết bị. Sự phân bổ cân bằng rất quan trọng. Nhiều người chơi đến cửa hàng
audio với tư duy chủ quan là chia ngân sách thành ba phần đều nhau cho các
thiết bị trong hệ thống. Theo tôi, việc sở hữu thiết bị nền tảng cho hệ thống
là vấn đề quan trọng. Khi xác định thiết bị như món đồ tham chiếu, người chơi
có thể xây dựng hệ thống của riêng họ. Điều đó mang lại lợi ích cho người chơi,
bởi họ sẽ có âm thanh tốt ngay từ hệ thống đầu tiên và nâng cấp dần từng món đồ
trong bộ dàn. Hệ thống âm thanh của họ phải phản ảnh đúng gu thưởng thức, khiếu
thẩm mỹ, mức độ đam mê âm nhạc của chủ nhân.
Nhiều nhà phân phối của tôi sử
dụng phối ghép gồm Linn Classic (1.500USD) tích hợp đầu đọc, preamp và ampli để
chơi cặp loa Sophia (12.000USD) của Wilson.
Sự kết hợp đó cho kết quả rất tốt. Khi khách hàng muốn nâng cấp hệ thống, họ có
thể chơi Linn Klimax (ampli). Nhưng chúng ta thử so sánh giữa hệ thống gồm Linn
Classic (1.500USD) và Sophia (12.000USD) với hệ thống đầu đọc CD, ampli trị giá
12.000USD của Linn và cặp loa trị giá 1.500 USD. Theo ông, hệ thống nào sẽ cho
âm thanh tổng thể tốt hơn?
Ivor Tiefenbrun: Tôi đã thực hiện nhiều chương trình demo như vậy
trong 43 năm qua. Theo đó, phần thắng luôn nghiêng về những hệ thống có nguồn
âm tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào giá, thì không ổn, do giá thành không
quyết định chất lượng trình diễn. Thực tế cho thấy cặp loa trị giá 1.500USD
không có nghĩa sẽ không thể tốt bằng cặp loa trị giá 12 nghìn USD. Cũng không
thể kết luận cặp loa trị giá 12 nghìn USD không thể đánh cặp với nguồn âm trị
giá 1.500USD. Nếu so sánh Classic – thiết bị tầm thấp nhất của Linn – với nguồn
âm đắt gấp 10 lần của Linn, tôi không cần biết người chơi sử dụng loa gì, bởi
nguồn âm tốt hơn sẽ tạo nên âm thanh tổng thể hay hơn.
Robert Harley: Để kết lại chủ đề, có lẽ tôi sẽ mượn câu nói của
Wayne Garcia: tất cả thiết bị đều quan trọng. Mọi ý kiến trong khuôn khổ cuộc
tranh luận này nhằm mục đích khai thác vẻ đẹp âm thanh vốn có của các thiết bị
trong bộ dàn.
Theo Nghe Nhìn