Dây tín hiệu và dây loa ?

Dây tín hiêu và dây loa (sau đây gọi chung là dây dẫn) là những bộ phận quan trọng trong hệ thống hi-fi hoặc home theatre. Việc chọn lựa loại dây thích hợp sẽ giúp âm thanh hay hơn và giúp bạn khai thác được hết khả năng của bộ dàn. Việc tìm hiểu và chọn lựa chính xác loại dây sẽ mang lại màn trình diễn hay nhất có thể với chi phí hợp lí nhất. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

DÂY DẪN LÀ GÌ?

Khái niệm dây dẫn trong hệ thống hi-fi mà chúng ta bàn sau đây giới hạn ởcác loại dây nối tín hiệu mức thấp và mức cao giữa các thiết bị trong bộ dàn với nhau. Trong thực tế, ta có thể tạm phân loại như sau
Dây tín hiệu (Interconnect): Dây tín hiệu có nhiệm vụ chuyển tải các mức tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đấn vài volt) giữa các thiết bị nguồn (đầu đĩa than, đầu CD, tuner, đầu băng) với DAC, preampli, và giữa preampli tới ampli công suất. Dây tín hiệu cũng có một vài loại như sau:

- Dây tín hiệu không cân bằng (Unbalanced Interconnect): Thường có 2 lõi và có đầu cắm kiểu RCA (bông sen). Nó còn được gọi là dây tín hiệu single-end.

- Dây tín hiệu cân bằng (Balanced Interconnect): Có 3 lõi dây, và sử dụng đầu nối kiểu XLR. Nó thường dùng cho các thiết bị có đầu vào và đầu ra cân bằng.

- Dây tín hiệu digital (Digital Interconnect): Là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc hữu cơ (optical).

Dây loa (Speaker Cable): dây loa có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức cao (vài đến và trăm volt) từ ampli đến hệ thống loa. Dây loa cũng có một vài loại như:

- Dây loa đơn (còn gọi là single-end): mỗi đầu chỉ có 2 cọc đấu, đây là kiểu phổ biến nhất hiện nay.

- Dây loa bi-wire, tri-wire: mỗi đầu có 2 hoặc 3 cặp cọc đấu, dùng cho các loa có thể đấu 2 hoặc 3 đường tiếng độc lập.

Dây loa có nhiều kiểu đầu cắm như: đầu kim thẳng, đầu kim cong, bắp chuối, càng cua…trong đó đầu bắp chuối và càng cua là phổ biến nhất trong các loại dây cao cấp. Nếu không có yêu cầu tháo ra tháo vào nhiều, bạn có thể dùng dây loa trần để vặn trực tiếp vào cọc ampli và cọc loa cũng rất tốt.

CẤU TẠO CỦA DÂY TÍN HIỆU VÀ DÂY LOA:

Dây loa và dây tín hiệu thường gồm 3 thành phần: sợi dẫn, điện môi (chất cách điện) và đầu cắm. Sợi dẫn có tác dụng truyền tín hiệu, điện môi là lớp chất cách điện bọc quanh các sợi dây dẫn và vỏ ngoài; còn đầu cắm là đầu nối giữa dây và thiết bị âm thanh. Những thành phần này tập hợp với nhau tạo thành cấu trúc vật lý gọi là cấu hình dây. Mỗi thành phần đều có ảnh hưởng tới đặc tính âm thanh của dây.

Sợi dẫn thường làm từ đồng hoặc bạc. Trong các dây cao cấp, độ tinh khiết của đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Hợp kim đồng đôi khi chứa một lượng đồng nguyên chất và một phần tạp chất. Ví dụ, một sợi dẫn có 99,97% đồng nguyên chất, tức là nó chứa 0,03% hợp chất khác (có thể là sắt, sunfua, nhôm…). Nhiều người cho rằng đồng càng tinh khiết, âm thanh càng hay. Nhiều hợp kim đồng còn có tên là OFC (đồng không ngậm oxi). Khi chế tạo dây đồng OFC, người ta đã loại bỏ phần lớn thành phần oxi, hay nói chính xác hơn là được rút bớt đi khỏi hợp kim đồng vì thực ra, không thể loại bỏ hoàn toàn oxi ra khỏi đồng. Như vậy, đồng sẽ đỡ bị oxi hoá, đảm bảo cho lõi dây giữ được khả năng truyền dẫn ổn định.

Một chất liệu phổ biến khác dùng để chế tạo lõi dây là bạc. Dây làm từ bạc thường đắt hơn dây đồng, nhưng bạc cũng có ưu điểm của mình. Mặc dù tính dẫn điện của bạc chỉ cao hơn đồng chút xíu, nhưng bạc ít bị oxi hóa hơn đồng.

Điện môi là chất cách điện bao bọc quanh sợi dẫn. Chất điện môi có hấp thụ năng lượng, người ta gọi đây là hiện tượng hấp thụ của điện môi. Trong dây dẫn, hiện tượng hấp thụ năng lượng của chất điện môi có thể làm ảnh hưởng đến tín hiệu. Vì thế, chất điện môi có tác động lớn đến âm thanh của dây dẫn và mỗi chất điện môi lại có ảnh hưởng khác nhau. Dây dẫn bình dân thường dùng loại nhựa rẻ tiền làm chất điện môi. Còn dây tốt hơn thường dùng polyethylen. Tốt nhất là dây dùng polypropylene hoặc thậm chí là teflon. Vài công ty đã chế tạo ra một chất liệu gần như không khí để làm chất cách điện (tất nhiên chất cách điện tốt nhất là chân không). Có những hãng thì bơm không khi vào chất điện môi để tạo ra một hợp chất chứa nhiều không khí.

Đầu cắm là một phần của dây dẫn. Các đầu cắm tốt sẽ làm âm thanh của dây hay lên nhiều. Người dùng luôn muốn đầu cắm của dây tiếp xúc rộng và chặt với ổ cắm của thiết bị. Một vài loại đầu RCA đôi khi có những khe nhỏ ở giữa chân cắm để nâng cao khả năng tiếp xúc với ổ cắm. Phần lớn các đầu cắm RCA cao cấp thường làm bằng đồng thông thườmg có pha một chút đồng thau để tăng cường độ cứng cho chất liệu. Hợp kim này thường được mạ bằng ni-ken, sau đó mạ vàng để tránh oxi hoá. Ở một số đầu cắm khác, vàng được mạ trực tiếp lên đồng thau. Các chất liệu để làm đầu cắm còn có vàng và rô-đi.

Đầu cắm RCA và đầu cắm loa được hàn trực tiếp với lõi dây. Đa phần các nhà sản xuất sử dụng các chất hàn có pha một chút bạc. Trong kỹ thuật hàn hiện đại, người ta không dùng chất hàn mà hàn trực tiếp sợi dẫn với đầu cắm bằng cách dùng một dòng điện lớn để làm nóng chảy điểm tiếp xúc giữa sợi dẫn và đầu cắm, khiến chúng liên kết lại với nhau, nâng cao khả năng truyền dẫn tín hiệu của dây.

CẤU HÌNH DÂY DẪN

Một số nhà thiết kế cho rằng cấu trúc dây dẫn là yếu tố quan trọng nhất trong thiết kế dây, thậm chí còn quan trọng hơn cả chất liệu của lõi.
Một ví dụ chứng tỏ cấu trúc vật lý của dây dẫn có ảnh hưởng đến hoạt động của nó là: quấn hai sợi dẫn với nhau, điện dung và độ tự cảm của dây dẫn sẽ giảm xuống khá nhiều. Còn nếu để chúng đi song song sát vào nhau, chất âm nghe sẽ khác.

Trong cấu trúc dây dẫn, hiện tượng "hiệu ứng nhiễu mặt ngoài" - tức là sự tương tác giữa các sợi dẫn, là một trong những nguyên nhân chính gây giảm chất lượng âm thanh của dây dẫn. Tín hiệu tần số càng cao thì càng chạy nhiều trên bề mặt sợi dẫn và càng ít khi đi qua trung tâm của sợi dẫn. Hiệu ứng mặt ngoài làm thay đổi tính chất của dây dẫn ở các tần số khác nhau. Hiệu ứng này có thể làm cho âm thanh mất tính chi tiết và chiều sâu.

Kỹ thuật xử lý "hiệu ứng ngoài da" là bọc chất cách điện giữa các sợi dẫn. Từng sợi dẫn sẽ có điện tính gần như nhau. Vì các sợi dây này quá nhỏ nên người ta phải gộp nhiều sợi vào với nhau theo một trật tự khá tự do để lõi dây đủ lớn và giữ cho điện trở ở mức thấp.

Một vấn đề mà các dây dẫn làm từ nhiều sợi dẫn nhỏ không được cách điện thường mắc phải là tín hiệu dễ "nhảy" từ sợi dây này sang sợi dây khác nếu các dây dẫn xoắn lại với nhau. Do hiệu ứng mặt ngoài nên tín hiệu có xu hướng chạy ở ngoài lõi dây và di chuyển sang các sợi dây khác. Bề mặt của mỗi sợi dây đóng vai trò giống như một mạch điện nhỏ, có điện dung và có hiệu ứng diode.

Các sợi dẫn trong dây cũng có thể sinh ra từ trường và các từ trường này tương tác lẫn nhau. Khi có dòng điện chạy qua sợi dẫn, sẽ có một từ trường được sinh ra xung quanh nó. Nó có thể tác động đến tín hiệu và làm xấu âm thanh. Một số cấu hình dây dẫn có thể làm giảm tương tác từ giữa các sợi dẫn bằng cách sắp xếp các sợi dây dẫn này dàn đều xung quanh một lõi điện môi trung tâm và làm cho chúng được cách xa nhau ra.

Tự chế dây dẫn

Để tự làm dây dẫn, bạn có thể tới các cửa hàng bán dây dưới dạng các cuộn (ru-lô) dây mét. Mua dây do hãng sản xuất làm sẵn, tự đấu các đầu cọc vào, bạn sẽ có một sợi dây chất lượng tương tự hoặc kém hơn dây xịn cùng loại một chút, mà giá thành lại rẻ hơn.

Kinh nghiệm mua dây dẫn

Dây dẫn có rất nhiều loại, do nhiều hãng chế tạo ra. Nên chọn những hãng dây uy tín có tên tuổi như: Analysis Plus, Audio Quest, Nordost, Synergistic Research, Vandehul ...

Khi mua dây dẫn, bạn cần xác định dây dẫn sẽ dùng để làm gì, từ đó chọn cho đúng loại và yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại dây.
Nếu bạn tìm dây tín hiệu (interconnect) cần xác định khoảng cách cần thiết khi sắp xếp bộ dàn giữa đầu CD, preampli và power trước, rồi mới chọn dây để tránh mua dây quá dài (tốn tiền), hoặc quá ngắn (khó dùng) khi phối hợp với bộ dàn. Dây tín hiệu cho đường digital (từ CD transport xuống DAC) là một loại dây đặc biệt được chế tạo riêng, nên chọn mua đúng loại đó thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Nếu hệ thống của bạn có đầu ra/đầu vào balance, nhưng bạn sắp xếp thiết bị gần nhau thì có thể dùng dây dẫn đồng hoặc bạn. Đây là một nhận xét cơ bản là đúng, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phù hợp, bạn cần thử nghiệm trước khi quyết định mua.

Mỗi loại dây tín hiệu, dây loa có một "chất âm" riêng, nên trong điều kiện có thể, hãy thử phối hợp nhiều loại dây khác nhau cho một bộ dàn nhằm thu được kết quả tốt nhất. Nhiều người chơi âm thanh có kinh nghiệm sử dụng đặc tính âm thanh của dây dẫn để bù trừ, cân bằng lại âm sắc cho bộ dàn, vì dụ dùng dây bạc cho bộ dàn có âm thanh hơi tối và thiếu chi tiết, dùng dây đồng OFC cho các bộ dàn có âm thanh thiên sáng để cân bằng lại dải âm, từ đó thu được kết quả mỹ mãn nhất.

(Theo Nghe Nhìn)

1234[5]